Phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết rét đậm, rét hại

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong mùa đông là điều kiện cho các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh gia tăng.

Ngoài ra, virus, vi khuẩn trong không khí cũng “tấn công” mạnh mẽ gây ra các bệnh viêm phổi thường gặp ở người cao tuổi, người có sức đề kháng yếu, nhiều bệnh nền mạn tính.

Thời tiết lạnh dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.

Thời tiết lạnh dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.

Nguy cơ viêm phổi trở nặng ở người cao tuổi

Thời tiết miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông với nền nhiệt trung bình từ 14 - 16°C. Do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh kéo dài, số người già nhập viện cũng có chiều hướng tăng cao, chủ yếu là các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, viêm phổi và xương khớp.

Mùa đông không chỉ làm giảm sức đề kháng của cơ thể mà còn là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát sinh, từ cảm cúm thông thường đến các bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, cảm lạnh và các vấn đề tim mạch.

BSCKI Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Viêm phổi là một loại nhiễm trùng, có thể lây nhiễm ở một hoặc cả hai phổi, có nguyên nhân do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra. Tình trạng viêm phổi xảy ra khi các túi khí trong phổi bị vi khuẩn tấn công, tạo mủ. Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào người và tình huống. Viêm phổi có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào”.

Tuy nhiên, người cao tuổi thường có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn do hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian. Không chỉ vậy, yếu tố tuổi tác cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách cơ thể phục hồi khi bị viêm phổi. Những người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu dễ gặp ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài hơn khi bị viêm phổi.

Nguyên nhân viêm phổi có rất nhiều, trong đó thường thấy là vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc người cao tuổi ít vận động, nằm lâu do liệt... Trong một số trường hợp, bệnh viêm phổi bị lây nhiễm chéo ngay trong bệnh viện do người cao tuổi đi khám bệnh hoặc nằm viện điều trị một bệnh nào đó.

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay, người cao tuổi cũng dễ gặp các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là người có bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng. Các nghiên cứu cho thấy thủ phạm chính gây nên viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, virus sẵn có ở mũi, họng. Lợi dụng lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh. Điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số virus đường hô hấp, vi nấm.

Không chủ quan với bệnh viêm phổi

Tuy không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng đối với người cao tuổi có sức đề kháng kém, nhiều người có mắc các bệnh mạn tính nên hệ hô hấp dễ bị tổn thương và dễ bùng phát các đợt cấp do bội nhiễm vi khuẩn. Các tác nhân xâm nhập, tấn công vào đường hô hấp dưới làm phổi bị tổn thương nặng gây suy hô hấp cấp tính, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thuận, khi bị viêm phổi, người bệnh thường gặp triệu chứng khó thở, khó nuốt nên với người cao tuổi, việc khó nuốt do tuổi tác sẽ gây sự cộng hưởng và khiến các triệu chứng bệnh phổi nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, người cao tuổi cũng có thể bị giảm lượng nước bọt mà cơ thể sản xuất tự nhiên, dẫn đến tích tụ vi khuẩn trong miệng và khiến bệnh chậm phục hồi hơn. Người già thường dễ có các bệnh nền hơn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh Parkinson. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị những bệnh này cũng có thể ức chế hệ thống miễn dịch, khiến người cao tuổi khó hồi phục hơn khi bị viêm phổi, làm cho bệnh kéo dài và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Do đó, người cao tuổi mắc viêm phổi cần chú ý luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê; không tự ý đổi thuốc, dừng uống thuốc... vì khi chưa hết đơn thuốc chỉ định có thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại. Ngoài việc uống thuốc và có chế độ dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe hợp lý, bệnh viêm phổi cũng rất cần bù nước để lưu thông đường thở khoảng 2 - 3 lít/ngày. Nước cũng có tác dụng để làm loãng đờm và dễ long đờm, bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh.

Để chủ động phòng ngừa bệnh viêm phổi, người cao tuổi có sức đề kháng giảm sút, có bệnh nền được khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp như vắc xin phòng cúm, sởi, phế cầu khuẩn. Ngoài ra, người già cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, nơi ở thông thoáng, không hút thuốc lá, thuốc lào; giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Trong những ngày trời lạnh, người cao tuổi cần được giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh; đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

Bảo Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-benh-viem-phoi-khi-thoi-tiet-ret-dam-ret-hai-688000.html
Zalo