Phòng bệnh sởi với nhóm nguy cơ cao, biến chứng nặng
Bệnh sởi thường được biết đến là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, nhưng thực tế thời gian qua bệnh sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong trong tháng 4/2025.
Th.S, Bác sỹ Đặng Phương Thanh, Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Y Hà Nội chia sẻ các dấu hiệu nhận biết khi người lớn mắc bệnh sởi:
"Thông thường, triệu chứng bệnh sởi ở người lớn không khác nhiều so với trẻ em. Ban đầu là các triệu chứng viêm long đường hô hấp, sau đó là phát ban. Tuy nhiên, đặc điểm ban ở người lớn có thể không điển hình như ở trẻ nhỏ: ban có thể không mọc theo thứ tự từ mặt lan xuống toàn thân mà có thể bắt đầu từ thân mình, hoặc tính chất ban không đặc thù của sởi. Giai đoạn khởi đầu của bệnh sởi thường có các triệu chứng viêm, long đường hô hấp như sốt, ho, hắt hơi, đau rát họng, có thể có loét miệng họng. Đặc điểm điển hình là phát ban. Khi có dấu hiệu phát ban, cần đi khám ngay".

Các triệu chứng của bệnh sởi.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo, người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh; tăng cường vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, giữ vệ sinh môi trường thông thoáng để phòng tránh bệnh sởi.
Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân sởi, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các ca nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.