Phòng bệnh mùa hè: Bắt đầu từ khẩu trang, nước uống và tiêm chủng

HNN - Hàng trăm trẻ em và người lớn nhập viện vì bệnh viêm phổi, tay chân miệng, biến chứng sởi... Dịch bệnh mùa nắng nóng đang diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

 Xử trí, theo dõi ca sởi biến chứng nặng trên nền bệnh ung thư máu

Xử trí, theo dõi ca sởi biến chứng nặng trên nền bệnh ung thư máu

Đa dạng mặt bệnh

Dù ngày nghỉ, Khoa Nhi, Trung tâm Y tế Phú Vang vẫn tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm hô hấp; trong đó, có trường hợp biến chứng viêm phổi nặng. Chị Nguyễn Thị H.N., công nhân may ở Phú Đa, Phú Vang, chăm con 10 tháng tuổi bị viêm phổi, chia sẻ: “Trời nóng, em thường dùng quạt nước và điều hòa để con ngủ ngon. Có lẽ việc kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ các thiết bị làm mát chưa phù hợp dẫn đến bé viêm phổi, ho, sốt nằm viện gần một tuần qua”. Cùng phòng bệnh với con chị N. còn có 4 bé khác cũng bị biến chứng viêm phổi; trong đó, một ca nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Tại Khoa Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, số bệnh nhi nhập viện tăng nhanh, có thời điểm quá tải vì ngày cao điểm tiếp nhận hơn 100 ca. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị viêm ruột, viêm dạ dày, tay chân miệng… Đáng lưu ý có tuần, số ca tay chân miệng tăng đột biến, gấp 3 - 4 lần so với thường lệ; ngoài ra còn có bệnh thủy đậu, sốt siêu vi.

Chị Tôn Nữ Thu H., mẹ bệnh nhân Lê N. A., 7 tuổi trú tại phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa (điều trị viêm ruột) kể lại: “Buổi sáng đi học, tôi có mua hộp xôi bên đường cho cháu ăn sáng; sau đó, cháu nôn mửa, sốt cao, người mệt lả. Gia đình đưa cháu vào BVTW Huế cấp cứu. Tôi rất cẩn thận trong việc ăn uống, vệ sinh cho con nhưng từ hôm nay trở đi, gia đình sẽ hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn bên ngoài”.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn, đặc biệt là người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch đều dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh theo mùa và dịch bệnh mới nổi trong thời tiết nắng nóng. Ngoài sốt xuất huyết, thủy đậu rải rác, từ đầu năm đến nay, Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 300 - 400 trường hợp người lớn mắc sởi. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày khoa đón 5 - 15 ca bệnh sởi nặng, xảy ra trên người có bệnh nền. Trong số này có ca đến từ các tỉnh, thành lân cận.

Bệnh nhân Bùi A.T. 16 tuổi ở TP. Huế vừa bị ung thư máu, vừa mắc sởi. Thời điểm chúng tôi đến, T. bị biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng máu, bệnh diễn biến phức tạp nên các bác sĩ cho thở ô xy, theo dõi qua monitor. Do thường xuyên bị sốt, lên cơn co giật, A.T. được bố trí nằm sát phòng trực. Mỗi lần sốt, lên cơn co giật thoáng qua, các điều dưỡng phải tập trung hỗ trợ, cho người bệnh dùng thuốc an thần. Cùng nhập viện đợt này còn có sản phụ, người lớn tuổi kèm các triệu chứng đau đầu, ho, sốt cao, sổ mũi, nhức mỏi, khó thở kéo dài. Một số người điều trị lâu dài do cơ thể suy kiệt, chậm bình phục.

Đeo khẩu trang, bổ sung nước, nâng cao thể trạng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính đến thời điểm này, trên địa bàn ghi nhận hơn 1.600 ca nghi sởi và sởi xác định, hơn 100 ca tay chân miệng (tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2024), 11 ca sốt phát ban, hơn 100 ca sốt xuất huyết xác định… chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh.

BS.CKII. Nguyễn Xuân Hiền, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, thông tin: “Vi-rút sởi lây qua giọt bắn đường hô hấp, khi phát hiện người nhà có dấu hiệu bệnh nên đưa đến các cơ sở y tế khám sàng lọc và hạn chế tiếp xúc. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, đặc biệt là buổi chiều có những cơn mưa rào nhẹ sẽ là yếu tố thuận lợi cho bọ gậy và muỗi phát triển, vì vậy, nên vệ sinh môi trường và nằm ngủ mắc màn phòng, chống bệnh sốt xuất huyết”.

Với trẻ nhỏ, thời tiết nóng bức sẽ gây khó chịu, cơ thể dễ bị thiếu nước, ăn uống cũng kém hơn nên cần bổ sung nước liên tục. Sử dụng điều hòa hoặc quạt quá nhiều nhưng không đúng cách cũng tạo môi trường thuận lợi gây bệnh. ThS.BS. Trần Thị Hạnh Chân, Phụ trách khoa Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi, BVTW Huế lưu ý: “Mùa này cần giữ gìn vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, đến nơi đông người nên mang khẩu trang, bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ”.

Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm hiện nay, Sở Y tế ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết: “Chúng tôi chú trọng thực hiện các giải pháp trọng tâm, gồm đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức; tổ chức chiến dịch tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy; đồng thời, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Giao CDC giám sát và hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao”.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. BVTW Huế cũng yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm sẵn sàng phương án khi dịch bệnh xảy ra; tăng cường biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho nhóm người bệnh có nguy cơ cao. Cùng với đó, Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 đặt tại BVTW Huế cơ sở 2 rà soát, kiểm tra trang thiết bị, vật tư y tế, khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bài, ảnh: GIANG HƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/phong-benh-mua-he-bat-dau-tu-khau-trang-nuoc-uong-va-tiem-chung-154043.html
Zalo