Phối hợp chặt chẽ về chuyên môn trong xử lý vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng

Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất (SX), buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, chuyên gia hình sự - kinh tế, đã phân tích rõ bản chất pháp lý của vụ việc.

Theo ông Tú, vụ án này hội tụ đầy đủ yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng: hành vi có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hướng vào nhóm người tiêu dùng (NTD) yếu thế (trẻ nhỏ, người bệnh) và đạt doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng. Quan trọng hơn, không chỉ SX, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền, che giấu sai phạm khiến thiệt hại lan rộng trong hệ thống tài chính - thuế.

Sự việc trên không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn phơi bày những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng và vận hành doanh nghiệp (DN) - những rủi ro có thể đẩy lãnh đạo DN vào vòng tố tụng hình sự. "Về pháp lý, hành vi này có thể bị truy tố theo điều 193 Bộ luật Hình sự với mức án cao nhất là chung thân và nếu có căn cứ, còn có thể xử lý thêm về các tội trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền", luật sư này cho biết.

Từ vụ việc trên, ông Tú đưa ra lời khuyên đến các DN: "Pháp luật không chờ đến lúc DN phá sản hay vướng vòng lao lý mới phát huy tác dụng. Hãy chủ động kiến tạo một nền tảng quản trị pháp lý vững chắc - điều đó sẽ giúp DN trường tồn".

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng sữa

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng sữa

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (CA) đã triệt phá đường dây SX, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ CA đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đến đường dây phạm pháp trên.

Phó giáo sư Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam (VN) - cho biết, ngày 14/4 hiệp hội đã có công văn gửi các Bộ: CA, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng cường phòng, chống hàng giả là sản phẩm (SP) sữa.

Theo Hiệp hội sữa VN, thời gian gần đây tình trạng SX, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa SP sữa đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD, uy tín DN, cũng như niềm tin vào thị trường sữa nội địa.

Các SP sữa giả, sữa kém chất lượng hầu hết tập trung vào nhóm SP dùng cho trẻ em, thai phụ, người già, người có bệnh nền... đồng thời thường bị lợi dụng tiêu thụ thông qua kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream... và được quảng cáo như "thần dược", gây khó khăn cho việc kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng.

Đề nghị xử lý người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm

Cũng trong sáng 15/4, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ YT) Trần Việt Nga đã ký công văn gửi Cục PTTH và TTĐT, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị xử lý nghiêm người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo (QC) sản phẩm TP. Cục ATTP cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo SP thực phẩm chức năng (TPCN) qua các kênh truyền thông, có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là việc QC sản phẩm TPCN với công dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm về chất lượng và công dụng SP. Để ngăn ngừa kịp thời việc QC thổi phồng tác dụng của sản phẩm TP, Cục ATTP đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý vi phạm, bao gồm cả việc xử lý người nổi tiếng vi phạm như báo chí đã nêu.

Cục ATTP khuyến cáo người dân để tránh bị lừa nên tìm hiểu kỹ thông tin về SP, không tin vào những QC quá đà, cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Quan trọng nhất, SP phải được mua từ các nguồn uy tín, có đầy đủ nhãn mác và chứng nhận.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, 2 DN nêu trên không phải thành viên của hiệp hội. Đặc biệt, việc SX, kinh doanh, sử dụng sữa giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe NTD, nhất là với trẻ em, thai phụ, người già, người mắc bệnh nền...

Phó giáo sư Trần Quang Trung cho biết, sữa giả không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền. Sữa giả không bảo đảm chất lượng có thể chứa các thành phần độc hại, gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể khiến NTD đối mặt với các vấn đề sức khỏe dài hạn.

Bên cạnh đó, việc SX-KD sữa giả làm mất niềm tin của NTD, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN sản xuất sữa chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sữa VN.

Chính vì thế, Hiệp hội sữa VN mong Bộ CA và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh kiểm tra, hậu kiểm, điều tra, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm SX - buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng trên toàn quốc. Hiệp hội sữa VN cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sữa giả.

Cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, nhóm trên đã SX 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả

Sau khi đường dây SX, buôn bán hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện, dư luận quan tâm đến việc bộ, ngành nào cấp phép, khâu quản lý ra sao mà để đường dây phạm pháp nói trên hoạt động suốt 4 năm không bị phát hiện, xử lý? Liên quan đến vụ việc, ngày 15/4 đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ YT cho biết: Đối với vụ SX, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan CSĐT - Bộ CA đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra, Bộ YT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ CA về các vấn đề chuyên môn để Bộ CA có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về quản lý ATTP được quy định tại Luật ATTP, đây là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, trong đó có các Bộ YT, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Công thương và UBND các cấp được quy định tại các điều 62, 63, 64 và 65; Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng, chống thực phẩm (TP) giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh TP" được quy định tại khoản 5 điều 64 Luật ATTP.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất

Theo Cục ATTP, trong công tác phòng, chống TP không bảo đảm an toàn, TP giả, kém chất lượng, Bộ YT luôn kiên định quan điểm chỉ đạo, thông qua việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Bộ YT cũng thường xuyên phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Bộ CA và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công thương trong xử lý các hành vi liên quan đến TP giả, TP có chứa chất cấm...

Về việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm TP, đại diện Cục ATTP cho biết quy trình này được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 - quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Theo đó, phần lớn sản phẩm TP được doanh nghiệp (DN) tự công bố, riêng 4 nhóm TP có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố SP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Việc trao quyền công bố SP cho các DN để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính nhưng khi công bố DN phải "cam kết thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố cũng như chất lượng, độ an toàn của SP". Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương đối với việc quản lý các nhóm TP cụ thể và trách nhiệm trong thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về công tác hậu kiểm các SP sau công bố hết sức quan trọng. Bộ YT với vai trò thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất - kinh doanh TP làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch của mình. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch riêng, trong đó tập trung vào xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo (QC) sai sự thật, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.

Bộ YT cũng đã ký Biên bản hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ATTP với Bộ CA, trong đó Cục ATTP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ CA tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất - kinh doanh TP theo thẩm quyền; phối hợp trong các hoạt động chuyên môn, cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan để cơ quan CA làm căn cứ khởi tố vụ án, đặc biệt trong các vụ án sản xuất - kinh doanh TP giả, có chứa chất cấm.

Bộ YT đã phối hợp với Bộ Tư pháp (TP) và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về ATTP; đồng thời Bộ TP đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Đây sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu để ngăn chặn hiệu quả TP giả, không an toàn.

MINH KHÔI

HỒNG TRÚC - QUỐC PHONG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/phoi-hop-chat-che-ve-chuyen-mon-trong-xu-ly-vu-an-kinh-te-dac-biet-nghiem-trong_176713.html
Zalo