Phát huy truyền thống cách mạng, vững vàng vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại (*)
Tối 3/4, trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975 - 3/4/2025), đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài diễn văn quan trọng ôn lại những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng.
Báo Lâm Đồng Điện tử xin giới thiệu toàn văn bài diễn văn của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ôn lại những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng
- Kính thưa Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ;
- Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh;
- Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý; thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng phấn khởi, tự hào tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng (03/4/1975-03/4/2025) hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, tôi xin trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ; lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh; quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người đã cống hiến trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Vào ngày này cách đây tròn 50 năm, ngày 3 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức, nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ghi một dấu son lịch sử quan trọng: Đà Lạt -Tuyên Đức - Lâm Đồng được hoàn toàn giải phóng.
Như chúng ta đều biết, do vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc thù, Lâm Đồng - Đà Lạt là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng qua các thời kỳ. Đầu thế kỷ 20, người Pháp muốn biến vùng rừng núi hoang sơ này thành nơi nghỉ dưỡng của họ. Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, toàn quyền Đông Dương Decoux có ý định xây dựng Đà Lạt thành chốn dung thân của quan chức Pháp. Đầu những năm 1950, Lâm Đồng-Đà Lạt là đất Hoàng Triều cương thổ, và từ 1954 đến 1975, Lâm Đồng - Đà Lạt không chỉ là nơi du lịch - nghỉ dưỡng mà còn là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật của chính quyền miền Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng - Đà Lạt đã kiên cường bám trụ, huy động sức dân để tiến hành đấu tranh chính trị, làm công tác binh địch vận và đẩy mạnh đấu tranh vũ trang. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, thắng lợi lớn của quân dân Lâm Đồng - Đà Lạt là đã biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta. Cán bộ bám trụ, nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ - chiến sĩ, tích trữ vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến… và góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để thấy rõ hơn điều đó: Ngày 25/3/1975, sau khi giải phóng La Ngà, Định Quán trên đường 20, Trung đoàn 141 cùng với các đơn vị pháo cao xạ, pháo binh và sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 7 hành quân theo đường 20 chiếm lĩnh các vị trí phía tây bắc Bảo Lộc. Lúc 14 giờ ngày 27/3, tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 209 nổ súng đánh chiếm chi khu Đạ Huoai, cùng lúc đó Đại đội 11 của Tiểu đoàn 6 và 3 xe tăng tiến công đồn Mađagui và tiêu diệt các chốt từ Mađagui đến chi khu Đạ Huoai. Sau khi chiếm được chi khu Đạ Huoai, tiểu đoàn 5 đánh chiếm và bảo vệ cầu Đậm M’Rế, cầu Đạ Huoai để đội hình của Sư đoàn hành quân. Phát huy uy lực của xe tăng và pháo binh, các đơn vị hành quân bằng cơ giới lần lượt tiêu diệt các đồn bốt ở Kim Hưng, Đậm M’Rế, đèo Ba Cô, nhanh chóng vượt qua đèo Bảo Lộc tiến về thị xã B’Lao.
Đúng 6 giờ sáng ngày 28/3, các đơn vị xe tăng, pháo binh, bộ binh đồng loạt tiến công đánh vào thị xã B’Lao; 8 giờ 30 phút sáng ngày 28/3/1975, thị xã B’Lao được giải phóng. Khi được tin quân ta đã giải phóng thị xã B’Lao thì bọn địch ở Di Linh vô cùng hoang mang, giao động, Đại đội 5 trinh sát của Quân khu chớp thời cơ đánh chiếm chi khu và quận lỵ Di Linh, đồi Pasteur. Bọn địch ở đây tan rã nhanh chóng và rút chạy theo đường 20 lên Tam Bố - Đại Ninh. Ngày 28/3/1975, tỉnh Lâm Đồng (cũ) hoàn toàn được giải phóng.
Sau khi tỉnh Lâm Đồng được giải phóng, Bộ chỉ huy tiền phương của Khu ủy và Quân khu 6 quyết định tiếp tục tấn công, truy kích địch, thực hiện kế hoạch giải phóng Tuyên Đức - Đà Lạt. Đêm ngày 02/4/1975 giải phóng quận lỵ Đức Trọng. Đến 08 giờ 20 phút ngày 03/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của Ngụy quyền, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân hai tỉnh Lâm Đồng (cũ), Tuyên Đức đã kết thúc thắng lợi. Với sự chi viện to lớn của bộ đội chủ lực Miền và lực lượng vũ trang Quân khu 6, quân và dân hai tỉnh tiêu diệt và làm tan rã hơn 27.000 tên địch, đánh chiếm 10 tiểu khu, chi khu, quận lỵ và hàng trăm đồn bót, giải phóng trên 300.000 dân. Sau khi giải phóng, quân và dân hai tỉnh tiếp tục truy quét bọn tàn quân, kêu gọi 20.757 ngụy quân, ngụy quyền trình diện, truy bắt 1.230 tên, thu 11.355 súng các loại.
Giải phóng Lâm Đồng, Tuyên Đức - Đà Lạt có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI nối liền Quốc lộ 1A và Đường 20 để chi viện sức người, sức của cho quân và dân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Trong một thời gian ngắn sau ngày giải phóng, về mặt tổ chức hành chính của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức có nhiều lần thay đổi. Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc bỏ khu, hợp tỉnh; các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được nhập lại thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phan Rang.
Ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc giải thể tỉnh Thuận Lâm và hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhanh chóng được ổn định và lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh sát cánh cùng với các tỉnh Tây Nguyên và cả nước bước đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Sau năm 1975, cùng với cả nước, Lâm Đồng bắt tay ngay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Là một tỉnh miền núi, đất rộng, người thưa, phần lớn diện tích bị bỏ hoang, đời sống của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự chống phá khốc liệt của tàn quân Fulro đã gây nhiều tổn thất xương máu, công sức của Nhân dân và chính quyền địa phương…
Là một tỉnh miền núi, chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp, cơ cấu kinh tế và phân bổ lao động mất cân đối nghiêm trọng. Sản xuất lương thực không đủ ăn, mỗi năm Trung ương phải chi viện 40.000 - 50.000 tấn gạo; hàng vạn người không có công ăn việc làm. Cơ sở kinh tế có trên 6.000 ha chè, gần 30 cơ sở chế biến chè; diện tích cây cà phê khoảng 1.000 ha; có gần 3.000 ha rau, hoa và cây ăn trái; gần 2.000 ha cây lương thực sản xuất tại chỗ để giải quyết nhu cầu lương thực cho Nhân dân. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có một số cơ sở sửa chữa cơ khí, chế biến quy mô nhỏ ở Đà Lạt và Bảo Lộc, còn hầu hết các địa phương khác chưa phát triển. Cơ sở vật chất - kỹ thuật công nghiệp nghèo nàn, chỉ có hai nhà máy sản xuất đồ sứ, một số nhà máy xẻ gỗ với thiết bị máy móc lạc hậu.
Nền kinh tế Lâm Đồng sau ngày giải phóng chủ yếu là sản xuất nhỏ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, kể cả đường 20 độc đạo nối Đà Lạt với Sài Gòn và đường 21 kéo dài. Hệ thống điện chỉ có một nhà máy thủy điện nhỏ cung cấp điện cho các trung tâm Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và một nhà máy nhiệt điện chỉ đủ cung cấp cho vài ngàn hộ dân ở thị xã Bảo Lộc mỗi ngày vài giờ. Hệ thống nước sạch chỉ cung cấp được cho một số hộ dân ở trung tâm Đà Lạt, Bảo Lộc, nhưng vào mùa khô nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tinh thần nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Xác định địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, việc khai hoang, phục hóa, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa Lâm Đồng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển.
Với quyết tâm tập trung mọi nguồn lực đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển (giai đoạn 2005 - 2010); phát triển nhanh và bền vững (giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020); tỉnh phát triển khá của cả nước (giai đoạn 2020 - 2025), Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn luôn xác định tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực dựa vào lợi thế cạnh tranh của các loại cây trồng chủ lực; đồng thời phát triển du lịch, xác định là ngành kinh tế động lực trong nền kinh tế của địa phương. Tận dụng các nguồn lực tại chỗ và khai thác có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương từ các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; các chương trình mục tiêu Quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Nhờ sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao và ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã đạt được những kết quả khả quan, là tỉnh phát triển khá của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu ngân sách 13.100 tỷ đồng.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia… Đặc biệt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của Châu Á; Cảng hàng không Liên Khương được công nhận là Cảng hàng không quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện tạo điều kiện thông suốt trong giao thông; hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được công bố; tiến độ đầu tư các dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh (đặc biệt, như một món quà chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phòng Lâm Đồng, ngày 31/3/2024 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Quyết định đầu tư dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, hiện thực hóa một phần giấc mơ hàng chục năm qua của người dân Lâm Đồng, kết nối Lâm Đồng với TP HCM, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để Lâm Đồng cất cánh, vươn cao, vươn mình cùng đất nước); các công trình, dự án trọng điểm đang được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư; phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước” đang được triển khai thực hiện mạnh mẽ, là điều kiện để khơi thông nguồn lực mới, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tạo đột phá cho năm 2025 và làm tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng, hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước.
Với niềm tin và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực; không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương Lâm Đồng phấn đấu trở thành địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh; ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Một lần nữa, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng xin được trân trọng cảm ơn và kính chúc Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ; lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh; quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm
Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Tít do tòa soạn đặt