Phó Thủ tướng: Thuế TNDN của Việt Nam vẫn thấp hơn Philippines, Malaysia, đề xuất áp thuế TNDN 10% với cơ quan báo chí

Phó Thủ tướng đánh giá mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam vẫn thấp trong khu vực, tuy không thể so với Singapore nhưng thấp hơn Philippines và Malaysia.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về Dự Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng mục tiêu sửa đổi luật là đảm bảo sự đúng đắn, phù hợp và đảm bảo công bằng, hợp lý, thúc đẩy sự phát triển.

Phó Thủ tướng khẳng định, thuế vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Hiện nay ngân sách đang bội chi ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng. Nợ công đầu nhiệm kỳ là 44,1% hiện đã xuống còn 37% nhưng thời gian tới, nhiều công trình hạ tầng trọng yếu lớn được xây dựng, nên sẽ làm tăng bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công.

Tuy nhiên, với Việt Nam vừa trải qua đại dịch nên vẫn tiến hành giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; so với nhiều nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đánh giá mức thuế của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực, tuy không thể so với Singapore khi quốc gia này có thu nhập bình quân đầu người 90.000 USD/năm, trong khi Việt Nam chỉ hơn 4.000 USD/năm. Còn lại, Philippines thuế thu nhập doanh nghiệp đang là 30%, Malaysia 24% cũng như các quốc gia khác đang là 25%...

Phó Thủ tướng nêu rõ, mục đích thu thuế là phải đảm bảo sự công bằng, hợp lý để phát triển, với các lĩnh vực ưu tiên phát triển cần hỗ trợ từ ngân sách thì phải giám sát cho hiệu quả, tránh chuyện mở ra mà mất kiểm soát"

Về nguyên tắc đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định, mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế. Về doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ các sàn thương mại điện tử, mua bán online…đối với các doanh nghiệp có thu nhập ở Việt Nam nhưng trụ ở sở nước ngoài", Phó Thủ tướng nói.

Về thuế đối với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho biết có ba loại hình đơn vị sự nghiệp: nhà nước cấp toàn bộ, tự chủ thường xuyên và tự chủ toàn toàn diện. Đối với loại hình tự chủ toàn diện, Phó Thủ tướng cho rằng, đã có doanh thu thì cần nộp thuế, nếu dịch vụ công tính chưa đủ, không cần nộp thuế và dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm thuế.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Mức thuế TNDN 20% vẫn cao so với ASEAN

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trước đó, phát biểu về mức thuế suất phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 10 của dự thảo luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%.

Đại biểu cho rằng, mức thuế suất chung là 20% vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN.

Vì vậy, để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%, tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi sau giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Đối với vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan báo chí, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thêm mức thuế với đối tượng này hoặc thậm chí là miễn thuế.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí.

Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có nghiên cứu thể giảm xuống 5%.

"Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí. Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước", Đại biểu Nghĩa nói.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì đề miễn thuế đối với đối tượng cơ quan báo chí. Theo đại biểu Thân, hiện nay báo chí chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính trị, việc làm thêm rất nhỏ. Đa số các báo không có doanh thu, sẽ không nộp thuế được.

Hạ An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/pho-thu-tuong-thue-tndn-cua-viet-nam-van-thap-hon-philippines-malaysia-de-xuat-ap-thue-tndn-10-voi-co-quan-bao-chi.html
Zalo