Phó Thủ tướng: Thị trường bất động sản cần những 'liều thuốc mạnh'

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần những giải pháp quyết liệt, thực chất để xử lý bất cập kéo dài, nhất là về cung - cầu, pháp lý.

Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: VGP.

Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: VGP.

Tại cuộc họp với các Bộ, ngành về tình hình thị trường bất động sản ngày 15/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét thị trường bất động sản đang tồn tại vướng mắc kéo dài, còn nhiều dấu hiệu bất ổn. "Thị trường lúc thì đóng băng, khi lại sốt nóng bất thường dẫn tới biến động lớn về giá, ảnh hưởng dây chuyền tới tín dụng, tài chính," ông nói.

Phó thủ tướng cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại là tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Bất cập nữa của thị trường địa ốc là mất cân đối cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý.

Hoàn thiện các công cụ quản lý, điều tiết hiệu quả, công khai, minh bạch

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn và xuất phát từ thực tiễn, tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản vẫn không thể so sánh với giai đoạn trước đó, kéo theo ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái đầu tư và kinh doanh liên quan đến bất động sản.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối nghiêm trọng. Phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn.

Bên cạnh nguyên nhân do giá đất, giá vật liệu xây dựng, chi phí xây dựng tăng cao, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân do quản lý chưa hiệu quả. Trình tự thủ tục hành chính, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch, định giá đất… đều còn vướng mắc.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, định giá đất, đến thiết kế, cấp phép xây dựng và bố trí nguồn tín dụng; làm rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh như thời gian vừa qua.

Riêng đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình, tiếp tục đơn giản hóa các bước, bởi "thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn, cắt được bước nào thì phải cắt, và làm nghiêm túc. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật".

Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến năm 2026, tiến tới áp dụng một giá đất (không còn chênh lệch giữa giá thực và giá kê khai) để đảm bảo minh bạch, công bằng, và làm cơ sở thực hiện chính sách thuế bất động sản minh bạch, công bằng, tăng hiệu quả thu thuế, giảm thất thu, giảm trốn thuế; xử lý hiện tượng thổi giá và đầu cơ.

Bộ Xây dựng thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung - cầu nhà ở, bất động sản, làm cơ sở dự báo và điều tiết thị trường khi có dấu hiệu lệch cung - cầu, giá bị đẩy lên bất thường thông qua quy hoạch và công bố công khai quy mô, địa điểm, thời gian triển khai các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phù hợp, để nhà đầu tư có cơ sở chuẩn bị và người dân có thông tin minh bạch.

"Không để tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư đầu cơ, thổi giá, gây rối loạn thị trường. Nhà nước không thể để đất đai hoang hóa, dự án kéo dài không triển khai và cần có chế tài mạnh như thu hồi đất, tăng thuế".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Công an được giao phối hợp đánh giá nợ xấu liên quan đến bất động sản và có giải pháp xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Đơn cử, đối với doanh nghiệp bất động sản không còn khả năng phục hồi thì cần tính đến phương án xử lý tài sản thế chấp, như bán lại, hoặc chuyển giao cho nhà đầu tư mới có năng lực, thậm chí chuyển thành dự án nhà ở xã hội.

Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai, nhưng phải làm thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp, tránh tình trạng đánh thuế trùng, phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.

Tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội

Về phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho nhà ở xã hội, khả năng tích hợp từ thiết kế cơ sở, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, môi trường vào một giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian và thủ tục.

Các địa phương phải chủ động chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chứ không chỉ trông chờ vào 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại.

"Nhiều dự án nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người ở, không có thương hiệu, dẫn đến lãng phí. Chúng ta cần nghiên cứu để cho phép chuyển đổi các dự án này thành nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu tái định cư đang bỏ hoang".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở rộng tiêu chí và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, không chỉ dừng lại ở thuê mua, mà cần cho phép mua đứt nếu đủ điều kiện; đồng thời cải thiện nguồn tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người dân.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về cơ chế, chính sách cải tạo nhà chung cư, hỗ trợ phát triển nhà trọ, nhà cho thuê.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại cuộc họp, trong quý 1/2025, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, có 14 dự án hoàn thành với quy mô hơn 3.800 căn (bằng 140% so với cùng kỳ); cấp phép mới cho 26 dự án với khoảng 15.800 căn (bằng 136% so với cùng kỳ); 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 19.700 (bằng 155% so với cùng kỳ); 994 dự án đang triển khai xây dựng với gần 400.000 căn hộ.

Đối với các dự án đầu tư xây dự hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân xây dựng nhà ở có 17 dự án hoàn thành với quy mô 4.414 lô/nền (bằng 81% so với cùng kỳ); 490 dự án đang triển khai với khoảng 19.000 lô/nền (bằng 94% so với cùng kỳ); 11 dự án được cấp phép mới với khoảng 3.400 lô/nền (bằng 91% so với cùng kỳ).

Lượng giao dịch bất động sản thành công đạt 33.585 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; 101.049 lô/nền.

Giá bất động sản tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt xuất hiện tình trạng tăng giá nhanh cục bộ tại một số địa phương sau thông tin sáp nhập, đặt cơ quan hành chính mới.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt trên 1,56 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn FDI tính đến hết tháng 3/2025 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 44% so với cùng kỳ.

Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã tháo gõ khó khăn, vướng mắc cho 136/788 dự án bất động sản.

Về nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội; đã hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn; khởi công 152 dự án với khoảng 131.000 căn; 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pho-thu-tuong-thi-truong-bat-dong-san-can-nhung-lieu-thuoc-manh-41555.html
Zalo