Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Tiết kiệm chi trong đầu tư là bài toán quan trọng

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Năm 2025, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đề ra các nhiệm vụ tài chính ngân sách. Theo đó, thu ngân sách phải tăng, chi ngân sách tiết kiệm, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các công trình trọng điểm của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025.

Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều thách thức, từ các tác động bên ngoài như vấn đề về chính sách thuế, lãi suất, tỷ giá, lạm phát, xung đột quân sự... Trong nước, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên ảnh hưởng, tác động rất lớn từ bên ngoài như: Vấn đề biến đổi khí hậu, hậu quả lũ lụt, năng suất lao động thấp, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế, yêu cầu tăng trưởng nhanh, nguồn vốn lớn là những thách thức.

Tất cả những điều trên đã tác động đến việc điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ năm 2024, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024. Điều này được thể hiện ở các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt và vượt mức đề ra như GDP cả năm dự báo đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề từ đầu năm từ 6 - 6,5%, CPI ở mức 3,88% (mục tiêu 4%), nợ công ở mức 37% GDP, thấp hơn so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Đặc biệt năm nay, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục dự kiến là 800 tỷ USD, vượt qua mức cao nhất của năm 2022 là 732 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 24/12, thu ngân sách nhà nước đã đạt được 1.978.000 tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 15% và vượt so với cùng kỳ năm ngoái là 17%, tức vượt 298.000 tỷ đồng so với dự toán. Dự kiến, cả năm sẽ đạt ở mức khoảng 17% so với dự toán và đạt đến mức khoảng 19% so với năm trước, điều này có nghĩa là vượt trên 300.000 tỷ đồng so với năm ngoái

Có thể nói, trong 4 năm trở lại đây, thu ngân sách nhà nước luôn ở mức năm sau vượt so với năm trước, khoảng trên 1.000.000 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn và là một thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Nhờ đó, chúng ta có nguồn lực để đầu tư vào sân bay, bến cảng; xây dựng các công trình hạ tầng như đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phóng viên: Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện như thế nào trong năm 2025, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Trong điều hành chính sách tài khóa, Chính phủ luôn tập trung tăng thu ngân sách, không để thất thu, mở rộng cơ sở thu, nhưng đồng thời vẫn phải nuôi dưỡng nguồn thu thông qua chính sách giãn thuế, phí, tiền thuê đất mỗi năm giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện chi ngân sách một cách có hiệu quả, trong cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, đầu tư công được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vậy Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện những giải pháp gì để “chung tay” đưa nguồn vốn quan trọng này vào nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Đầu tư công luôn là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong những năm qua việc Chính phủ chọn mục tiêu đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công hết sức rất sát và đúng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư và công tác chuẩn bị đầu tư vẫn có những ách tắc, vướng mắc và khó khăn. Chẳng hạn như trong công tác lập dự án đầu tư, thẩm định thiết kế, dự toán, công tác giải phóng mặt bằng… giai đoạn chuẩn bị tốn quá nhiều thời gian.

Vì vậy, tốc độ giải ngân, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm và thường dồn vào tháng cuối năm. Nhận diện rõ ràng những vướng mắc này, chúng tôi đã trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội để thực hiện sửa Luật Đầu tư công. Đồng thời, thực hiện sửa 4 luật liên quan đến vấn đề đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP); tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong thực tiễn, chẳng hạn như đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được phê duyệt riêng thành một phương án giải phóng mặt bằng. Khi đấu thầu dự án đầu tư, đơn vị thi công sẽ tiếp nhận mặt bằng và thi công rất nhanh, nhờ đó sẽ rút ngắn được thời gian thi công.

Thứ hai là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ xuống cho các bộ, ngành, địa phương để giảm thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và giải ngân đầu tư công.

Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt được trên 56,4% và tốc độ giải ngân sẽ dồn vào cuối năm. Vì vậy ngay từ ban đầu phải thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhằm trợ giúp cho nền kinh tế, tạo đà thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo ra dòng tiền thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn TTXVN về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024 cũng như các giải pháp cho năm 2025. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng cho biết mục tiêu ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của đồng chí để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2025?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc:

Năm 2025, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.978.000 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa chiếm

84,8%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%. Dự toán chi ngân sách nhà nước là 2.500.000 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%. Bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP.

Mục tiêu dự toán ngân sách của năm 2025 đã được Quốc hội đặt ra và giao Chính phủ thực hiện. Để hoàn thành mục tiêu đó, Chính phủ sẽ phải chỉ đạo một cách quyết liệt để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đề ra. Chẳng hạn như thu ngân sách phải tăng, chi ngân sách sẽ tiết kiệm, hiệu quả, qua đó giảm bội chi ngân sách, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các công trình trọng điểm của đất nước. Chính phủ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu, tiếp tục giảm thuế VAT, giảm thuế môi trường trong xăng dầu… trong 6 tháng đầu năm 2025. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các nguồn thu tiềm năng như sàn thương mại điện tử và các giao dịch online xuyên biên giới.

Chính phủ coi các nguồn thu được phát sinh theo cách thu đúng, thu đủ như quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ điều hành chi có trọng tâm, trọng điểm, đúng định mức, chế độ, tiết kiệm các khoản chi để đầu tư vào vấn đề an sinh xã hội, đầu tư vào phát triển hạ tầng… tạo đà phát triển đất nước.
Phóng viên: Về việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12, xin Phó Thủ tướng cho biết hiệu quả của việc hợp nhất này trong công tác quản lý tài chính cũng như đầu tư phát triển của đất nước?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi cho rằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 là một bước đi đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển, hiệu quả và hữu ích. Việc thu gọn bộ máy giúp giảm biên chế, giảm chi thường xuyên hiện đang chiếm khoảng 68% tổng chi ngân sách và tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bộ ngành.

Phóng viên: Phó Thủ tướng chia sẻ thêm điều gì trước thềm năm mới 2025?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi nghĩ là năm 2025 là một năm còn những khó khăn và thách thức với những yêu cầu đổi mới. Do đó, toàn hệ thống, đặc biệt là những người làm về kinh tế, tài chính phải hết sức nỗ lực và sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào phát triển đất nước ngày càng hùng mạnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Mai Phương - Thùy Dương/Ban Kinh tế/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-tiet-kiem-chi-trong-dau-tu-la-bai-toan-quan-trong/358194.html
Zalo