Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: '14 ngày qua là thời khắc khó khăn'
'Y tế luôn là nơi đương đầu, đặc biệt là trong dịch mà chúng ta vẫn thường hay dùng cụm từ các chiến sĩ ở mặt trận tuyến đầu', TS Dương Đức Hùng, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Từ 0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai được quay trở lại khám, chữa bệnh bình thường như trước đây sau khi gỡ bỏ phong tỏa. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong khoảnh khắc đặc biệt này.
- Xin ông cho biết thực tế hoạt động của bệnh viện trong 14 ngày cách ly vừa qua?
- Công việc chính của bệnh viện là khám chữa bệnh. Vừa qua, do tình hình dịch và lệnh cách ly nên hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện đã giảm xuống ở mức tối thiểu.
Trong suốt quá trình 14 ngày cách ly, song song với việc tiếp tục điều trị các bệnh nhân nặng đang cách ly tại đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận trên 40 trường hợp rất nặng, vượt quá khả năng điều trị của các tuyến dưới. Bệnh viện đã vượt qua tất cả khó khăn do lệnh phong tỏa để có thể cứu được người bệnh. Như vậy, hoạt động khám chữa bệnh vẫn được tiếp diễn trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly.
- Bệnh viện đã có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn sau khi tái hoạt động trở lại?
- Chúng tôi đã có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn về mặt dịch tễ ở mức cao nhất. Chúng ta biết rằng bản chất của dịch là lây lan, bệnh viện là môi trường toàn người bệnh và tập trung đông người. Như vậy, chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, dịch tễ, xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
Bộ Y tế đã xác định dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Vì vậy, đứng về góc độ dịch tễ, tất cả người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính.
Thực tế, rất nhiều người lành mang bệnh, có nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng dù trong người có virus ở đường hô hấp. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là thường trực. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người thân của người bệnh khi đến khám cũng như đảm bảo sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế khi thăm khám là mục tiêu của giai đoạn tới của bệnh viện.
Công tác sàng lọc nhiều cấp độ, tầng lớp đã được lên phương án để tất cả bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai đều có thể được phát hiện một cách nhanh nhất, loại trừ tối đa nguy cơ lại có một trường hợp dương tính trong bệnh viện.
Tuy nhiên, đây là một việc khó, cần sự triển khai đồng bộ ở tất cả khâu, tuyến. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, vệ sinh ở trong bệnh viện cũng đã được tăng cường ở mức độ cao nhất và đặc biệt là tập huấn cho các cán bộ y tế tăng cường truyền thông đối với người bệnh và người nhà ra vào bệnh viện. Mục đích là để tất cả đều hiểu chống dịch là công việc của mọi người chứ không chỉ của riêng y tế.
Chúng tôi tin rằng với việc triển khai một cách đồng bộ khi Bệnh viện Bạch Mai tái hoạt động, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất.
- Sau 14 ngày cách ly, điều gì khiến ông xúc động nhất?
- Y tế luôn là nơi đương đầu, đặc biệt là trong dịch mà chúng ta vẫn thường hay dùng cụm từ “các chiến sĩ ở mặt trận tuyến đầu”. 14 ngày vừa qua là những thời khắc khó khăn. Bên cạnh những nỗ lực nội tại, để vượt qua được những khó khăn, bệnh viện cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, mọi tầng lớp nhân dân.
Và thật là xúc động khi chúng tôi nhận được những món quà không quá lớn về mặt vật chất nhưng có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, kèm theo đó là những bức thư khi đọc lên ai cũng thấy cảm động. Đấy chính là sự động viên rất lớn cho nhân viên y tế nói chung cũng như cán bộ y tế Bạch Mai trong giai đoạn vừa qua.
Chúng tôi tin rằng công cuộc chống dịch này với sự tham gia của toàn bộ xã hội, với một sự đồng lòng cao như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid-19 này.