Phố của những tháng năm

Những sớm mai, phố núi chìm trong màu trắng đục của sương mù. Vạn vật lòa nhòa ẩn hiện. Người ta bảo: Vào mùa này, con người thường nhiều tâm trạng.

Tôi chỉ thấy không gian và cảnh vật như nhẹ bẫng, thanh thản dưới sương mai. Câu chuyện trong buổi sớm mù sương với người bạn vong niên như đưa tôi trở về với phố nhỏ của những tháng năm xa ngái.

Nếu tính chính xác từ thời điểm năm 1929, theo Nghị định thành lập thị xã Pleiku của Khâm sứ Trung Kỳ thì Pleiku chưa đầy 100 năm tuổi, chưa quá cũ xưa, nếu không muốn nói là đô thị cao nguyên này vẫn còn quá trẻ. Và, tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn khi được sống như một gạch nối của Pleiku xưa và nay, Pleiku mới và cũ. Một khoảng cũ nhưng chưa xưa lắm, khi ngày ấy, Pleiku còn là một phố thị nhỏ xinh với rất nhiều con đường bụi mờ đất đỏ. Giữa lòng phố, ngước lên là thông xanh, nhìn xuống là cỏ dại.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Trong tâm trí tôi, có lẽ Pleiku không phù hợp với những người có tính cách quá năng động hoặc quá trầm tĩnh. Năng động, ồn ào quá sẽ cảm thấy bị lạc khỏi cái không gian và tiết trời lúc nào cũng bàng bạc, se sẽ buồn. Còn trầm tĩnh quá, có thể sẽ bị chìm thật sâu vào cái vẻ bàng bạc buồn ấy. Pleiku dành cho những người ưa thích sự bằng an.

Bất cứ thời khắc nào, chắc chắn bạn cũng có thể tìm cho mình một khoảng rất vừa ý. Đó có thể là một vỉa hè không quá náo động cho buổi mai bắt đầu một ngày mới. Đó cũng có thể là một góc phố chật hẹp, để có thể quan sát những bộn bề mưu sinh của nhịp sống đặc trưng nơi phố thị. Đó cũng có thể là một không gian mở ra với ruộng đồng, đồi dốc, ngắm nhìn màu xanh lan man nối nhau từ triền đồi trải xuống lòng thung sâu.

Pleiku luôn rộng lòng với tất cả những ai muốn nương náu đất này. Dường như ai cũng có thể tìm cho mình một góc quê ở đây. Những buổi chiều muộn, trên đường về nhà, tôi thường dừng lại ở một ngã tư. Nơi đó có một bà cụ ngồi bán rau và mấy món đồ do bà tự tay làm.

Còn nhớ một ngày, tôi tình cờ phát hiện bà là đồng hương, nhờ vào một từ địa phương bà dùng khi trao bó rau cho tôi. Tôi và bà tíu tít hỏi thăm nhau, niềm vui nhỏ bé mà tựa hồ như vừa nhận được món quà quý giá.

Tôi ghé mua đồ của bà, không hẳn vì nhu cầu, mà có lẽ, thẳm sâu là một điều gì đó khó có thể diễn đạt hết. Nhưng cuối cùng thì người miền nào lưu lại với đất này, cũng thích nhận mình là người Pleiku, cái tên phố mỗi lần vang lên dường như đều chứa đựng rất nhiều tình cảm của cư dân đang mỗi ngày nương nhờ vào đất.

Tôi thường cảm thấy tiếc nuối mỗi khi nhìn thấy những thứ cũ xưa dần tuột khỏi thời gian. Đôi lần đọc những dòng tâm sự của lớp người đi trước về những địa danh đã từng một thời gắn bó với họ, giờ đây không còn nữa, tôi thấy chạnh lòng.

Ngay cả ngôi trường chúng tôi đã từng theo học cũng trải qua vài ba bận đổi tên. Mỗi lần về ngang trường, phố vẫn đấy, cảnh cũ còn phảng phất nét xưa, nhưng cái tên trên biển hiệu thì đã khác. Bao cảm xúc xen lẫn để tôi có thể đồng cảm với những người lớp trước, khi họ muốn tìm lại những góc phố của những năm tháng đã làm thành một phần đời của họ, nhưng cũng chỉ có thể tìm thấy trong lòng mình, trong ký ức của nhau.

Quy luật của thời gian là thế, luôn có sự biến chuyển và vận động không ngừng. Thời gian không bao giờ giậm chân tại chỗ, để vuốt ve mãi những xúc cảm cá nhân. Có như thế, con người chúng ta mới biết gìn giữ ký ức và những hoài niệm, để thấy phần năm tháng đã trôi qua đẹp đẽ đến nhường nào.

Câu chuyện sớm mai này, người kể tôi nghe về những sớm sương giăng như thế này trên phố nhỏ cao nguyên. Ngày ấy, thông nhiều lắm, cả con đường Trần Hưng Đạo vòng qua Quang Trung rợp bóng thông già. Ngày ấy, những cô gái bước ra đường là mặc áo dài, thường là áo dài trắng. Mà ngày ấy lại chỉ đi bộ. Những buổi mai mù sương như thế, tiếng guốc mộc khẽ khua trên mặt đường, tiếng bước chân chỉ vừa đủ lay động cây lá như còn đang giấu mình phong kín trong sương. Những buổi mai ấy thành thơ, thành nhạc, thành những mối tình ghi dấu suốt cuộc đời nhau…

Chúng tôi ngồi ở một góc phố có bức tường phủ đầy rêu xám. Những giọt sương bám trên những thân rêu khúc xạ qua ánh nắng, ngời lên vẻ lấp lánh của thời gian. Thời gian, bao nhiêu thời gian đã trôi qua, để bức tường kia mang dáng dấp của rêu phong lên năm tháng.

Bao nhiêu mùa sương đã trôi qua đôi mắt mờ đục của người đối diện tôi. Nhưng thẳm sâu trong ấy, tôi vẫn nhận ra thứ ánh sáng ngời lên khi nhắc lại những tháng năm người đã từng thanh xuân. Những tháng năm người đã khởi tạo, đã tha thiết, đã hết mình, đã cả sai lầm và vấp ngã… Nhưng rồi, phố đã rộng lòng mà ôm lấy tất cả những điều ấy, để cho người tha thiết đến hôm nay.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/pho-cua-nhung-thang-nam-post292842.html
Zalo