Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Đảm bảo tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Phiên thảo luận ở Tổ 9 chiều 12/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc bảo vệ dữ liệu của cá nhân và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần xem xét để đảm bảo tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này.

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 9
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự Phiên thảo luận tại Tổ 9. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh - Phạm Hùng Thái điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình.
Xem xét tính khả thi của các quy định
Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (gồm 7 Chương, 68 Điều), đa số ý kiến đồng tình với việc ban hành Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9
Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc bảo vệ dữ liệu của cá nhân và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật gồm cả đối tượng liên quan đến việc thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân của người nước ngoài để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, nhất là thông tin về tín dụng, về sinh trắc học, các vấn đề liên quan đến dữ liệu vị trí, quyền cá nhân riêng tư.
Liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh quan tâm đến tính khả thi thực hiện trong các quy định của dự thảo Luật này. Góp ý vào Điều 39 của dự thảo quy định về chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại khoản 3 Điều này quy định: “Các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được quyền lựa chọn miễn trừ quy định về Chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian 05 năm đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận thấy, nội dung này của dự thảo Luật đã thể hiện ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. “Từ đó, có thể suy ra tất cả doanh nghiệp sau 5 năm là phải có tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân, có chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân cho doanh nghiệp, tổ chức của mình. Vì vậy, để bảo vệ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp, tổ chức, cần phải có cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị liên quan đến quy trình trong hoạt động của doanh nghiệp, do đó, sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nêu rõ thời gian tới sẽ thể chế hóa Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn quy định như dự thảo Luật sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp thì liệu có phù hợp với định hướng là giảm chi phí vận hành của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không? Vì vậy, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá, xem xét lại tính khả thi của quy định này sao cho phù hợp để đảm bảo quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Điều 4 của dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại khoản 2 Điều này có nêu: “2. Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định chi tiết quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế xử lý vấn đề này như thế nào? Trong bối cảnh nước ta có tới 94% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân ở mức cao như vậy thì cần xem xét để đảm bảo tính khả thi của các quy định này.
Bổ sung quy định yêu cầu các bên kiểm soát dữ liệu cá nhân phải cung cấp cơ chế minh bạch
Cùng quan tâm đến khoản 2 Điều 4 của dự thảo, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, dự thảo Luật hiện mới chỉ quy định mức phạt từ 1% - 5% doanh thu năm liền trước, trong đó giao cho Chính phủ quy định mức phạt và khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa có quy định nguyên tắc xác định doanh thu này là doanh thu toàn cầu hay doanh thu tại Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị trong dự thảo Luật cần thiết quy định nguyên tắc xác định doanh thu và được quy định rõ trong Luật.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu quy định tại Điều 10, đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật chưa đề cập đến trường hợp dữ liệu cá nhân bị thu thập tự động thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là công nghệ theo dõi hành vi trên không gian mạng. Đối với các phần mềm này, họ tự động thu nhập và không cần có sự đồng ý của chủ thể. Vì vậy, để tránh thiệt hại cho người dùng, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề xuất bổ sung một khoản quy định trong Điều 10, yêu cầu các bên kiểm soát dữ liệu cá nhân phải cung cấp cơ chế minh bạch để người dùng có thể từ chối hoặc quản lý sự đồng ý của mình một cách dễ dàng và minh bạch để tránh đồng ý mặc định vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể dữ liệu.
Liên quan đến dữ liệu sinh trắc học tại Điều 35 của dự thảo, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, hiện nay Luật chưa quy định cụ thể về việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong không gian công cộng hoặc trong xác minh danh tính khi mở tài khoản online. Thực tế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và ngân hàng đã triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt này theo Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị phải quy định rõ việc công khai, minh bạch mục đích, thời gian lưu trữ và cơ chế phản hồi khi có khiếu nại đối với việc sử dụng nhận diện khuôn mặt hiện nay.
Cân nhắc quy định việc cho phép thử nghiệm các công nghệ mới để lưu trữ, sử dụng, chia sẻ dữ liệu cá nhân
Thống nhất với các nội dung được nêu trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình với việc xây dựng các khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân như dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản cũng như dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân; xác định chính xác đầy đủ những hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân, vai trò của các bên trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Góp ý vào Điều 7 quy định về hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung một khoản mới là: “Việc lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân là công chức, viên chức để thu thập, tiết lộ hoặc chuyển giao dữ liệu cá nhân không đúng mục đích, không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất quan trọng bởi vì không phải tổ chức, cá nhân nào thuộc cơ quan Nhà nước đều có thể được khai thác dữ liệu cá nhân và được quyền sử dụng, phải có nguyên tắc để bảo vệ, do đó phải có quy định cấm đối với nhóm đối tượng này.
Tại khoản 3 Điều 15 quy định về dữ liệu cá nhân nhạy cảm phải được mã hóa khi lưu trữ, truyền, nhận, chia sẻ trên không gian mạng. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định cụ thể hơn hoặc nên bỏ khoản này do dữ liệu nhạy cảm chỉ nên mã hóa sử dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, cá nhân và không thể lưu truyền trên không gian mạng. Do đó, đề nghị đối với nội dung này, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, rà soát và có thể bỏ khoản này.
Liên quan đến Điều 19 và Điều 20 quy định về xử lý dữ liệu cá nhân và cơ chế giám sát khi xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan hành chính phải có cơ chế giám sát và đảm bảo đúng quy trình về bảo vệ bí mật Nhà nước bởi vì giám sát cơ chế xử lý dữ liệu này có những trường hợp không cần phải có sự đồng ý, nhưng phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo đúng quy trình.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận ở Tổ 9
Ngoài ra, ở trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân còn đang quy định về việc cho phép thử nghiệm các công nghệ mới để lưu trữ, sử dụng, chia sẻ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà băn khoăn, việc sử dụng công nghệ mới này có gây mất an toàn, an ninh thông tin mạng hay không cũng như tổ chức, doanh nghiệp quản lý sử dụng công nghệ mới này như thế nào trong khi thực hiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong dự thảo Luật đề cập chưa cụ thể. Do đó, đề nghị cân nhắc tính toán thêm đối với nội dung này.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đa số ý kiến đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật để bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Các ý kiến tán thành với việc xây dựng và ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm sự phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung, đồng thời phục vụ cuộc bầu cử sớm đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 9:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh tham dự Phiên thảo luận ở Tổ 9

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại Tổ 9