Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Hội thảo về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Sáng 25.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp: Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Thị Thủy; đại diện các cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, HĐND; là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay.
Trước yêu cầu ngày càng cao về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp “… Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp” để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử.
Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3.8.2022 của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đã yêu cầu: “Xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.
Để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Chín).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Kỳ họp thứ Tám, dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến với 113 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và Hội trường. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Đồng thời, rà soát, đối chiếu với các luật về tổ chức bộ máy vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín; Nghị quyết số 71/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số vấn đề lớn quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật để tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Qua đó, có thêm thông tin toàn diện, đa chiều phục vụ cho việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và củng cố thêm lập luận cho việc tiếp thu, giải trình trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3.2025.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật như: hoàn thiện khái niệm "giám sát"; làm rõ hơn nội hàm giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về giám sát chung của các cơ quan dân cử; tổ chức hoạt động giám sát từ cơ sở, giám sát ngay trong quá trình thực hiện, kết hợp thường xuyên và đột xuất...
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo...