Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Giữ nguyên quy trình bầu cử song song với rà soát kỹ việc rút ngắn thủ tục, mốc thời gian
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 21/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan để thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Rút ngắn thời gian tổ chức bầu cử nhưng vẫn bảo đảm chất lượng
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc với bầu đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, quyết định ngày bầu cử là ngày 15/3/2026, sớm hơn 2 tháng so với các nhiệm kỳ trước. Dự thảo luật đã điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử. Cụ thể, khoản 12 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi khoản 1 Điều 35 của Luật hiện hành quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày, giảm 28 ngày so với luật hiện hành và trong đó điều chỉnh khoảng cách, thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 xuống còn 2 ngày, điều chỉnh khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 xuống còn 17 ngày. Việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là yêu cầu chính trị đặt ra trong sửa đổi luật nhằm thu hẹp thời gian kể từ khi bế mạc Đại hội Đảng đến khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội hoặc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBHQ tỉnh Thái Bình phát biểu
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng quy định về thời gian như dự thảo là gấp rút và bày tỏ băn khoăn trong quá trình thực thi. Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, từ Hội nghị Hiệp thương lần 2 đến ngày cuối tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần 3 theo luật hiện hành là 30 ngày giảm xuống còn 17 ngày là khoảng thời gian rất ngắn, trong khi bước này phải tiến hành rất nhiều công việc, như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng đề nghị bước này chỉ nên rút xuống 25 ngày, tổng thể tổ chức bầu cử trong 50 ngày từ ngày nộp hồ sơ, tổ chức kỳ họp thứ nhất của khóa mới trong 71 ngày sau khi Đại hội Đảng kết thúc, khoảng thời gian như vậy sẽ đáp ứng được một cách hài hòa giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị với bảo đảm quá trình thực hiện được thực chất cũng như bảo đảm chất lượng công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu
Cũng đề cập đến mốc thời gian, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với từng mốc thời gian cụ thể để bảo đảm tính khả thi, cân bằng giữa việc rút ngắn thời gian và chất lượng, tính dân chủ của quy trình bầu cử. Đối với những công đoạn liên quan đến quyền dân chủ, quyền của công dân, đại biểu Hoàng Ngọc Định nhấn mạnh cần giữ nguyên thời gian hợp lý, những bước mang tính thủ tục hành chính có thể rút ngắn, kết hợp đồng thời. Đại biểu đề nghị cần có những biện pháp, giải pháp để bảo đảm tính khả thi, tránh tăng áp lực công việc lên các cơ quan, tổ chức ở địa phương; Cần chú trọng công tác tổ chức bầu cử, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn theo sát quá trình triển khai ở địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng rút ngắn thời gian tiến hành quy trình bầu cử phải tùy theo điều kiện cụ thể và đảm bảo quyền lợi thiết thực của người tham gia ứng cử, tránh trường hợp sửa đổi Luật khiến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc tiếp nhận, hướng dẫn bổ sung hồ sơ người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử.
Giải quyết thấu đáo khiếu nại, tố cáo trong quá trình bầu cử
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng điều chỉnh giảm thời gian tiếp nhận khiếu nại xuống còn 3 ngày sau ngày công bố kết quả bầu cử và điều chỉnh giảm thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử xuống còn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết theo quy định sửa đổi tại dự thảo luật, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả giảm từ 30 ngày xuống còn 7 ngày là một thời gian quá ngắn đối với những vụ việc phức tạp. Dự thảo cũng chưa quy định rõ thẩm quyền nếu hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì cơ quan nào tiếp tục giải quyết. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng đề nghị bổ sung nội dung: “Trường hợp đặc biệt chưa thể giải quyết trong thời hạn quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia có thể gia hạn tối đa 7 ngày, đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hoặc quy định linh hoạt hơn các vụ việc đơn giản thì giải quyết trong 7 ngày, vụ việc phức tạp do Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định thời hạn giải quyết cho phù hợp nhưng không quá 15 ngày; Trường hợp phức tạp chưa giải quyết xong mà Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử đã hoàn thành và kết thúc nhiệm vụ thì chuyển toàn bộ hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và Ủy ban bầu cử đối với bầu cử Hội đồng nhân dân khóa mới để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền như quy định tại khoản 9 Điều 15 luật hiện hành và cũng tương tự như khoản 4 Điều 61 của luật hiện hành”.

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu
Đồng quan điểm về việc rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại có liên quan đến kết quả bầu cử, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa băn khoăn việc rút thời hạn giải quyết khiếu nại xuống còn 7 ngày sẽ khó thực hiện nếu liên quan đến một số vụ việc khiến nại phức tạp.
Phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là yêu cầu chính trị đặt ra trong sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm rút ngắn khoảng thời gian từ khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc đến khi khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để kịp thời kiện toàn nhân sự nhà nước, nhân sự của địa phương, sớm triển khai đưa nghị quyết của Đại hội đảng bộ các cấp đi vào thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, hiện nay có 3 khoảng thời gian: khoảng thời gian kể từ ngày công bố kết quả đến ngày nộp hồ sơ ứng cử, ngày nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử; và ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất. Hiện nay khoảng thời gian thứ nhất hầu như không thay đổi, chỉ có rút ngắn khoảng thời gian thứ hai là ngày bầu cử đã được Quốc hội thông qua là ngày 15/03/2026, nên khoảng thời gian này chỉ còn có 42 ngày. Như vậy, việc hạn nộp hồ sơ ứng cử cũng là hạn cuối cùng, ứng cử viên có thể nộp hồ sơ trước, còn khoảng thời gian từ ngày bầu cử là ngày 15/03/2026 tới ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thứ nhất thì hiện nay trong luật đang sửa nhằm có thể khai mạc sau ngày bầu cử là 22 ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu
Liên quan đến thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết thời gian như vậy là phù hợp với thời gian ấn định tổ chức bầu cử là ngày 15/3/2026. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có 2 nội dung: giải quyết khiếu nại, tố cáo với các ứng viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với kết quả bầu cử. Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo với các ứng viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu giải quyết không hết, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục xem xét và giải quyết. Thực tiễn cho thấy khiếu nại về kết quả bầu cử hầu như rất ít, khiếu nại về ứng viên nhiều hơn và nếu không đủ thời gian xem xét sẽ giao Ủy ban Thường vụ khóa sau xem xét và quyết định.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, quyền bầu cử, ứng cử là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp để tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật, trong đó giữ nguyên quy trình bầu cử như pháp luật hiện hành song song với rà soát kỹ việc rút ngắn quy trình, thủ tục, các mốc thời gian, đảm bảo phù hợp giữa các bước trong quy trình bầu cử để quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên họp
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo, với tinh thần tất cả các ý kiến đều được tiếp thu hoặc giải trình.