Nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại Đà Lạt

Những năm gần đây, vào các ngày lễ, tết, TP Đà Lạt thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ do lượng khách du lịch, phương tiện cá nhân tăng cao. Để giải quyết thực trạng trên, từ đầu năm 2021 tới nay, cùng với các sở, ngành liên quan, TP Đà Lạt đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm chống ùn tắc giao thông và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ được thành phố quyết tâm hoàn thành trong tháng 6/2025

Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ được thành phố quyết tâm hoàn thành trong tháng 6/2025

Ngày 18/1/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định phê duyệt Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án trên có kinh phí dự kiến khoảng 3.793 tỷ đồng, bao gồm 1.348 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 2.445 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa cho từng giai đoạn. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 là giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông trong các khung giờ cao điểm, dịp lễ, tết. Đến năm 2035 không còn tình trạng ùn tắc giao thông, hoạt động giao thông an toàn, thông suốt và quản lý, khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại và linh hoạt.

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó TP Đà Lạt là địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng với số vốn lớn nhất. Một số dự án trọng điểm đã được triển khai như: Cải tạo nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa nhằm cải thiện chất lượng và tăng cường an toàn giao thông; nâng cấp mở rộng đèo Prenn... Các tuyến đường như: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Quốc Toản (ven hồ Xuân Hương), Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Nguyễn Du... đã được đầu tư mở rộng và cải tạo.

Đến nay, các giải pháp của đề án đã được địa phương phối hợp với sở, ngành triển khai đồng bộ, lồng ghép các nguồn vốn để tăng tính hiệu quả. Thành phố đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hàng năm trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với công trình xây dựng cơ bản, thành phố đã nâng cấp, mở rộng hàng loạt nút giao thông trọng điểm; đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng với quyết tâm hoàn thành trong năm 2025, như: Dự án Đường vành đai Đà Lạt tổng kinh phí đầu tư lên đến 870 tỷ đồng, có tổng chiều dài 7,4 km; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ có chiều dài trên 1,2 km, tổng vốn đầu tư trên 138 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương với tổng vốn gần 278,5 tỷ đồng có chiều dài 2.450 m, từ nút giao thông ngã 5 Đại học đến đoạn ngã 3 đường Thánh Mẫu; Dự án Nâng cấp đường Bùi Thị Xuân...

Bên cạnh đó, đối với các công trình trọng điểm như: Dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Xuân Hương, thành phố đã hoàn thành với tổng kinh phí gần 129 tỷ đồng. Riêng Dự án Đầu tư xây dựng tuyến giao thông nối từ đường Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, xây dựng kè chắn hồ lắng số 1 và suối Cam Ly hiện đã thảm nhựa và hoàn thiện khoảng 496 m. Các đơn vị đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 138 trường hợp với tổng chi phí trên 113 tỷ đồng, còn lại đang trình bổ sung phương án và trình phương án tái định cư.

Bên cạnh đó, TP Đà Lạt đã triển khai phân luồng giao thông, cấm đậu đỗ xe tại các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc; cấm đậu xe ngày chẵn lẻ; nâng cấp nút giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu, lắp đặt camera và triển khai thành công hệ thống camera điều hành giao thông trên toàn thành phố.

Về bài toán tổng thể, nhiệm vụ lâu dài đáp ứng nhu cầu đậu, đỗ xe, giảm tắc nghẽn giao thông các điểm nút quan trọng và giảm lưu lượng xe khu vực trung tâm Đà Lạt, UBND tỉnh đã quy hoạch chi tiết Dự án Xây dựng 2 bãi đậu xe ở đầu đèo Prenn và khu vực ngã ba Đarahoa. Theo đó, cả 2 bãi đậu xe nằm ở cửa ngõ chính ra vào thành phố và cách trung tâm khoảng 10 km. Mới đây, ngày 17/5, Sở Xây dựng tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính sớm trình UBND tỉnh cho chủ trương lập báo cáo đầu tư hai dự án bãi đậu xe xe nêu trên trong bối cảnh nhu cầu vận tải ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm tới hai dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong cải thiện hạ tầng giao thông nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các phương tiện, nhất là xe ô tô cá nhân của người dân và du khách ngày một tăng gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông qua từng năm. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án giao thông công cộng chưa thể thực hiện theo Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do khó khăn về vốn, hạn chế về hạ tầng, nhu cầu sử dụng của người dân chưa cao... Việc đầu tư hạ tầng giao thông còn chậm, khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng nên tuyến vành đai Đà Lạt chưa được khép kín. Một số trục đường chính chưa được đầu tư, tuyến đường nội thị chưa hoàn thiện...

Trong bối cảnh kết thúc cấp huyện vào ngày 1/7/2025 cũng như Đà Lạt được chọn là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập 3 tỉnh (Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông), lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu TP Đà Lạt cũng như các sở, ngành liên quan phải quyết tâm, nỗ lực lớn để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm, tạo không gian thông thoáng cho thành phố, đặc biệt là phải được thực hiện xong nhiều dự án, gói thầu hoàn thành trước ngày 30/6, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ của địa phương.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202505/nhieu-giai-phap-giam-un-tac-giao-thong-tai-da-lat-5c23c78/
Zalo