Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Xã hội
Chiều 26.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương (Hà Nội), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc đột phá để về đích trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Qua tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động, có thể thấy, trong năm qua Ủy ban Xã hội tiếp tục đạt được các thành quả quan trọng. Với cách làm đổi mới, linh hoạt, trách nhiệm, từ sớm, từ xa, tận tâm, tận lực, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, Thường trực Ủy ban và Ủy ban Xã hội đã hoàn thành có chất lượng khối lượng công việc lớn theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Xã hội đã tham gia đầy đủ các dự án luật trong tổng thể công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Với hoạt động giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban cũng đã tham gia tích cực, chủ động. Chất lượng tham gia hoạt động của Ủy ban Xã hội đang ngày một nâng lên, trách nhiệm, sự tâm huyết của từng thành viên Ủy ban, của Thường trực Ủy ban Xã hội đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp công tác đánh giá cao.
Về nội dung Phiên họp toàn thể thứ 13 lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến vào các dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới đây. Đây là những dự luật có độ nhạy cảm cao và độ khó lớn, có tác động lớn đến đời sống người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp để thể chế hóa kịp thời vào các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tới đây, bảo đảm chất lượng theo nguyên tắc những việc đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, kiểm nghiệm là đúng, thì đưa vào quy định trong dự thảo Luật; những nội dung nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội thì Quốc hội quyết định, trách nhiệm của Chính phủ thì do Chính phủ quyết định.
Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra một số nội dung thuộc thẩm quyền, gồm: dự án Luật Việc làm (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2023; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2024; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách.
Ủy ban cũng cho ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát năm 2025; dự thảo Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; xem xét, cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý kiến một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ Tám.
Ngoài ra, Ủy ban còn cho ý kiến bằng văn bản với một số nội dung: Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các thành viên Ủy ban và đại biểu dự phiên họp nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tích cực tham gia phát biểu ý kiến với tinh thần xây dựng cao nhất.
Trong ngày làm việc đầu tiên, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.
Trong đó, dự thảo giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký và quản lý lao động”.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với người lao động có việc làm và người thất nghiệp; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng cường năng lực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và chuẩn hóa đội ngũ đánh giáo viên; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đa số ý kiến của Ủy ban Xã hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, để việc sửa đổi Luật Việc làm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng, cần chú trọng tới các quy định về đặc điểm việc làm của khu vực phi chính thức như: các chính sách đào tạo, phát triển kỹ năng, bảo hiểm thất nghiệp, thông tin thị trường lao động, đăng ký lao động; quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung các quy định để hạn chế các tiêu cực trong hoạt động giao dịch việc làm (lừa đảo qua mạng…) khi các giao dịch thực hiện bằng điện tử; bổ sung quy định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc kết nối tạo việc làm, thúc đẩy việc làm bền vững...