Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Tinh gọn bộ máy mới có thể tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã hoàn thiện hơn các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành. Ghi nhận kết quả này, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong hai dự thảo Luật có những quy định liên quan đến người dân và doanh nghiệp, do đó cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quyền lợi của người dân và hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tinh gọn bộ máy mới có thể tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển.

Quy định rõ thẩm quyền, giao thời hạn cụ thể sửa đổi các luật chuyên ngành

Phát biểu tại phiên họp tổ sáng nay, 13.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định hoàn thiện hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của các cấp chính quyền, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 15. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 15. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tạo điều kiện, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ cấp bách và mục tiêu dài hạn, trong đó có những nhiệm vụ cấp bách đang được triển khai ngay trong Kỳ họp bất thường lần thứ Chín này, như đầu tư về cơ sở hạ tầng thúc đẩy về chuyển đổi số khoa học, công nghệ và một loạt các mục tiêu khác.

“Tinh gọn bộ máy mới có thể tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển; giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, nhưng không phải giảm cào bằng các đầu mục chi thường xuyên”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 15. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 15. Ảnh: Hồ Long

Cho rằng nhiều quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan đến người dân và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần tiếp tục rà soát kỹ hai dự luật, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quyền lợi của người dân và hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trước mắt là thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, nhưng về lâu dài cần thực hiện lộ trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và các luật về quản lý thuế, vì hoạt động của các cấp chính quyền đều liên quan đến ngân sách.

"Nhiệm kỳ này chưa sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, thì ngay đầu nhiệm kỳ sau cần sớm triển khai để xác định rõ ngân sách của các cấp chính quyền. Đồng thời, về nguồn thu cũng cần có quy định để tăng quyền tự chủ và sáng tạo cho ngân sách cấp dưới, cấp dưới sẽ phải chịu trách nhiệm về các nguồn thu, năng động hơn nữa trong tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển…", Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan tâm về nội dung trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (ĐBQH tỉnh Kiên Giang) khẳng định, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Nhấn mạnh điểm mới nổi bật của dự thảo Luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chia sẻ, dù công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã được quan tâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã phân cấp mạnh mẽ hơn trong đầu tư công; nhưng, thẩm quyền thực hiện trong thực tế vẫn chủ yếu do các luật chuyên ngành quy định.

Để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn và thực hiện ngay tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, tại điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật được thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này.

Tương tự, tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng quy định giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc chính quyền địa phương đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với quy định tại Luật này (Điều 32 dự thảo Luật).

Thống nhất các quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền

Cho ý kiến với quy định tại điểm h, khoản 5, Điều 10, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về việc Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và công vụ, cải cách hành chính nhà nước, thi đua khen thưởng, tài chính, tài sản công trong các cơ quan về quyền lập pháp, quyền tư pháp, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, nội dung này cần được quy định khái quát hơn trên hai góc độ.

 ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ nhất, cần quy định Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các nội dung nêu trên trong các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước... Thứ hai, cần tiếp tục rà soát để tuân thủ đúng chức năng, thẩm quyền thống nhất quản lý các lĩnh vực đã được hiến định của Chính phủ.

Cho ý kiến với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét việc quy định rõ ràng hơn về vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm quy định phản ánh đúng thực tế hoạt động quản lý nhà nước, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo nhiệm vụ giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Xem xét thêm về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan khác nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính trị.

 ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cho ý kiến với các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp tại Chương III, dự thảo Luật Tổ chức quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, việc phân định rõ thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương; góp phần giảm tải áp lực cho cấp trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các cấp, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa gắn liền với nguồn lực tương ứng; một số địa phương chưa đủ năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có sự thống nhất trong cách thức quy định các nguyên tắc phân định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền với đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền.

Đồng thời, tiếp tục xem xét có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, bổ sung các hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện hiệu quả các nguyên tắc này.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-tinh-gon-bo-may-moi-co-the-tap-trung-nguon-luc-thuc-hien-dau-tu-phat-trien-post404380.html
Zalo