Phổ cập mầm non cho trẻ 3-5 tuổi cần đầu tư đảm bảo đủ cơ sở vật chất

Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có cơ chế đẩy mạnh công tác xã hội hóa, các nguồn tài trợ từ xã hội để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học.

Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách, cụ thể: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.

Đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đại Đồng (Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ, chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là cần thiết và đảm bảo sự quan tâm của Nhà nước đối với bậc mầm non.

Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) đến lớp học là phù hợp nhu cầu học tập, giao tiếp và phát triển của các em. Trẻ sẽ được phát triển toàn diện khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo khoa học, được tiếp xúc, trải nghiệm với bạn bè cùng độ tuổi. Nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi có thể giúp các em vào nề nếp từ sớm. Từ đó, tạo tiền đề để việc học các lớp trên được thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, điều này sẽ tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Đồng thời, mạng lưới trường lớp sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa và được đáp ứng trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho giáo dục mầm non theo quy định.

Theo cô Hằng, thời gian qua nhà trường luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3-4 tuổi. Đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tới tất cả cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Trong công tác tuyên truyền, nhà trường đã vận động tất cả phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã, chính quyền địa phương cũng đều vào cuộc để tuyên truyền về phổ cập giáo dục mầm non, các đồng chí trưởng thôn cũng phối hợp cùng nhà trường trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh đưa trẻ đến lớp, giúp phụ huynh hiểu được quyền lợi mà trẻ được nhận khi đưa con em đến trường.

Mặc dù địa phương nằm ở khu vực miền núi, địa hình phức tạp và giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chung tay của địa phương nên công tác huy động trẻ ra lớp đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp tại địa phương đã đạt 100% cải thiện rõ rệt so với những năm trước đây.

 Ảnh minh họa. Đào Hiền

Ảnh minh họa. Đào Hiền

Về cơ sở vật chất, nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà trường cũng cơ bản đáp ứng được về phòng học, trang thiết bị, đồ dùng dạy học bảo đảm yêu cầu. Một số thiết bị cũng hao mòn theo thời gian, xuống cấp thì nhà trường đã chủ động đề xuất, kiến nghị để thay thế, bảo đảm môi trường học tập phù hợp cho trẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hải - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết, quá trình triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do hầu như hộ dân tại đây là đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt khoảng 80% do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc huy động trẻ ra lớp. Từ đó dẫn tới việc huy động học sinh đến lớp gặp nhiều trở ngại, giáo viên phải đi đến từng gia đình để động viên, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được ý nghĩa của chủ trương phổ cập.

Bên cạnh đó, nhà trường nằm trong khu vực khó khăn của xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, vì vậy số lượng trẻ mầm non ra lớp còn khá hạn chế. Địa bàn dân cư phân bố thưa thớt, rải rác khiến công tác điều tra, rà soát trẻ trong độ tuổi phổ cập gặp nhiều bất cập.

Về cơ sở vật chất, các phòng học hiện nay cơ bản đã được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy và đặc biệt là đồ chơi ngoài trời cho trẻ.

“Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi sẽ tác động mạnh mẽ trong việc việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Lứa tuổi mầm non là tuổi vàng của sự phát triển, việc chăm sóc giáo dục đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người. Trẻ đến trường từ sớm sẽ giúp các em được học tập, phát triển toàn diện cũng như được tiếp xúc với môi trường giáo dục sớm, tiếp cận kiến thức, kỹ năng sớm hơn”, cô Hải chia sẻ.

Còn theo cô Trần Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non thôn Păng Dê (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của trường đạt 97-98%, mặc dù trường ở vùng cao, chủ yếu là đường đất nên đi lại bằng xe máy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão nhưng phần lớn phụ huynh đã cố gắng vượt khó để đưa con tới trường.

Phần lớn cán bộ, giáo viên mầm non ở thôn Păng Dê đều ủng hộ chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi. Tuy nhiên, nếu thực hiện phổ cập cho trẻ 3-5 tuổi ở miền núi sẽ phát sinh nhiều khó khăn hơn vùng đồng bằng.

Đối với công tác phổ cập cho trẻ 5 tuổi, các giáo viên đã cố gắng vận động cha mẹ học sinh đưa trẻ tới trường, đồng thời trong công tác tuyên truyền, nhà trường đã vận động tất cả phụ huynh học sinh. Ủy ban nhân dân xã, chính quyền địa phương cũng đều vào cuộc để tuyên truyền về phổ cập giáo dục mầm non.

Cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất

Theo cô Hằng, trong những năm vừa qua, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành và nhiều đơn vị doanh nghiệp trong việc kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, trường cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhiều bên cùng tham gia vào công tác xã hội hóa, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn khó khăn, 100% hộ dân tại xã đều làm nông nên thu nhập còn hạn chế. Do đó, nhà trường khó có thể kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân trên địa bàn.

Do đó, để đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi được diễn ra thuận lợi thì nên xây cấp thêm các phòng học, đồ dùng học tập, thiết bị tối thiểu để trẻ em học tập, qua đó đảm bảo công tác phổ cập thành công.

Đồng thời, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có cơ chế đẩy mạnh công tác xã hội hóa, các nguồn tài trợ từ xã hội để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, phát triển mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mẫu giáo, đặc biệt là lớp học vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, cần bố trí, tuyển dụng đủ giáo viên theo quy định, bảo đảm tối thiểu có 02 giáo viên/lớp để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ 3-5 tuổi. Đảm bảo các chính sách, ưu đãi về tuyển dụng, lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục theo quy định.

Thêm vào đó, có thể cải cách chương trình giảng dạy và tạo môi trường học tập thân thiện, sáng tạo để trẻ em có thể phát huy toàn bộ năng lực, phẩm chất và tư duy, thiết kế chương trình giáo dục mầm non tập trung vào phát triển toàn diện, chú trọng vào thể lực, trí tuệ và phẩm chất của trẻ thay vì chỉ tập trung vào nhận thức.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp cần tiếp tục đầu tư nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các điểm trường mầm non, nhất là các điểm trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Duy trì và tốt hơn nữa công tác xã hội hóa cũng như sự quan tâm của địa phương để đầu tư cho hệ thống giáo dục mầm non một cách đồng bộ và kịp thời nhất.

Đồng thời, cần đầu tư đồng bộ và hiện đại các phòng học, công trình phụ, tránh trường hợp thiếu phòng học, còn phòng học tạm, học nhờ, nhất là các trường ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thanh Thúy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-cap-mam-non-cho-tre-3-5-tuoi-can-dau-tu-dam-bao-du-co-so-vat-chat-post250865.gd
Zalo