Phim Việt vươn tới sự đa dạng
Nếu như năm 2024, thị trường phim Việt chứng kiến sự độc tôn của hai cái tên Trấn Thành và Lý Hải trên phòng vé thì ngay từ nửa đầu năm 2025, đã có nhiều bộ phim ở các đề tài, thể loại khác nhau ra rạp, được đông đảo khán giả đón nhận. Điều này cho thấy thị trường phim Việt đã có nhiều 'món ăn' đa dạng hơn và khán giả cũng đã cởi mở trong việc lựa chọn món ăn cho mình.
Đang phá thế độc tôn
Phim Việt đã có một thời kỳ bị phủ sóng bởi những bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải, hai đạo diễn “100 tỷ” mà phim của họ luôn khuynh đảo thị trường phòng vé. Đạo diễn Victor Vũ cho rằng điện ảnh Việt cần những người am hiểu thị trường như Trấn Thành, Lý Hải vì họ nắm bắt tâm lý khán giả nhanh nhạy. "Hai đạo diễn nói trên có màu sắc, giọng nói riêng và đều rất cần cho thị trường phim Việt. Họ luôn chịu khó làm ra những sản phẩm đậm tính kết nối với khán giả, từ đó mang lại hào hứng cho người xem", anh nói. Nhưng nếu thị trường điện ảnh chỉ có hai cái tên đó thì thật đáng buồn.

Phim “Mưa trên cánh bướm” giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Bởi thực tế lâu nay của điện ảnh Việt, doanh thu không/chưa tương xứng với chất lượng. Đạo diễn Lê Thanh Sơn của “Em chưa 18” chia sẻ rằng: “Kỳ tích phòng vé của Trấn Thành, Lý Hải tạo ra áp lực cho bất kỳ ai tham gia cuộc đua doanh thu. Tuy nhiên những tác phẩm như “Mưa trên cánh bướm” (Đạo diễn Dương Diệu Linh), “Cu li không bao giờ khóc” (Đạo diễn Phạm Ngọc Lân), hay trước đó là “Song lang” (Leo Lê), “Muôn vị nhân gian” (đạo diễn Trần Anh Hùng) dù không đạt doanh thu cao nhưng vẫn khẳng định chất lượng nghệ thuật, dành được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới.
Và rõ ràng, những dòng phim đó luôn cần thiết cho thị trường điện ảnh. Nó phản ánh một bức tranh điện ảnh đa màu sắc, nhiều tiếng nói”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những bộ phim nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, là tâm huyết của các đạo diễn muốn đi tìm tiếng nói mới trong điện ảnh và nỗ lực ra rạp lại chưa được khán giả đón nhận. (Nên chăng cần những phòng chiếu phù hợp hơn cho dòng phim độc lập ở Việt Nam?)
Nửa đầu năm 2025, điện ảnh Việt đã có thêm những món ăn mới cho khán giả lựa chọn. Ngay từ những ngày đầu năm đã có cuộc đua phòng vé của những bộ phim như “Nhà gia tiên” của đạo diễn Huỳnh Lập, “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam và “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành. Cả ba phim đều gia nhập câu lạc bộ 100 tỷ, dù chất lượng vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nhưng đến tháng 4 này, phim Việt thực sự tạo ra một bức tranh đa dạng đề tài, quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng và chất lượng phim cũng tốt hơn. Mở màn cho tháng 4 lịch sử chính là bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, một bộ phim về cuộc chiến của những chiến sĩ ở địa đạo Củ Chi đã đạt kỷ lục doanh thu về phim chiến tranh của Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đã đạt doanh thu hơn 170 tỷ đồng đến thời điểm hiện tại. Quả là một con số gây bất ngờ cho chính những người “dũng cảm” đầu tư vào dòng phim bị mặc định kén khách này. Bộ phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ trong 10 năm, được đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút trong từng cảnh quay, âm thanh và ánh sáng… Câu chuyện xúc động của “Địa đạo” đã thực sự chạm đến trái tim khán giả, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phim Việt, mở ra một hướng đi mới cho dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, vốn đã từng là một dòng phim chủ đạo của điện ảnh Việt.
Ở thể loại kinh dị, “Âm dương lộ” do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn, lấy cảm hứng từ những truyền thuyết đô thị kỳ bí ra rạp cũng thu hút đông khán giả. Trong đó, câu chuyện về những chuyến xe cấp cứu đêm, những chuyến xe chở thi thể người luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn không có lời giải. Cũng thuộc thể loại kinh dị, “Tìm xác: Ma không đầu” do Bùi Văn Hải đạo diễn, xoay quanh câu chuyện của Tiến (do Tiến Luật đóng) làm nghề hốt xác, sống cùng người mẹ loạn thần và Thành (Ngô Kiến Huy thủ vai) là một tài xế xe cứu thương.

Cảnh trong phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”.
Một phim kinh dị - trinh thám khác là “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ khởi chiếu cuối tháng 4, với dàn diễn viên gồm: Quốc Huy (vai thám tử Kiên), Đinh Ngọc Diệp, Quốc Anh, Anh Phạm, Minh Anh… Phim lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn khoảng 200 năm trước, khi nhân vật thám tử Kiên được mời tới một ngôi làng để điều tra vụ mất tích bí ẩn. Bộ phim được quay kỹ lưỡng, với nhiều đại cảnh của núi non Cao Bằng. Victor Vũ rất chú trọng tôn vinh những vẻ đẹp của văn hóa Việt qua điện ảnh. Hiện tại phòng vé, doanh thu bộ phim của Victor Vũ đã cán mốc 200 tỷ, đạt kỷ lục phim có doanh thu cao nhất của đạo diễn này đến thời điểm hiện tại.
Mảng đề tài gia đình có “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” do Lý Hải đạo diễn, với các diễn viên: NSƯT Kim Phương, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Chiều Xuân, Đoàn Thế Vinh, Long “đẹp trai”, Ngân Quỳnh, Lê Tuấn Khang… Phim xoáy sâu vào mâu thuẫn thế hệ trong gia đình. Lý Hải khai thác đề tài hợp với bối cảnh hiện nay: Nhiều bạn trẻ có ước mơ làm idol, vô số cánh cửa mở ra để họ đi theo con đường đó, nhưng đi kèm là xung đột gia đình gia tăng. “Lật mặt 8” dù không “hot” như những bộ phim trước đây của Lý Hải nhưng cũng đã chạm mức doanh thu 200 tỷ.
Cần một chiến lược dài hơi
Điều đáng nói là những bộ phim ăn khách năm nay đa dạng về đề tài và thể loại hơn thay vì chỉ có phim về gia đình, kinh dị. Điều này chứng tỏ nhu cầu thưởng thức của khán giả đã phong phú hơn. Tính đến nay, phòng vé Việt đã có 8 đạo diễn trăm tỷ, trong đó có 3 gương mặt nổi tiếng là Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ. Ngoài ra, phòng vé chào đón 5 đạo diễn mới gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ là Thu Trang (Nụ hôn bạc tỉ), Hoàng Nam (Đèn âm hồn), Huỳnh Lập (Nhà gia tiên), Pom Nguyễn (Quỷ nhập tràng) và Bùi Thạc Chuyên (Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối).

Phim “Lật Mặt 8” của Lý Hải.
Điều này có tác động tích cực đến thị trường phim Việt, phá vỡ thế độc quyền phim Tết hay các dịp lễ như 30-4, 2-9…. Các bộ phim sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, không ngại những tên tuổi lớn lấn át. Khi thị trường ai cũng cạnh tranh để làm phim tốt hơn thì khán giả là người được hưởng lợi. Bên cạnh các phim trăm tỉ, các phim không thuộc nhóm ăn khách của phòng vé Việt năm nay cũng có doanh thu không quá tệ: “Yêu nhầm bạn thân” thu 21 tỉ đồng, “Âm dương lộ” thu 33,7 tỉ đồng, “Tìm xác: Ma không đầu” thu 44 tỉ đồng. Đây là những con số không phải quá ấn tượng nhưng đã khả quan hơn so với thời gian trước đây, nhiều phim chỉ có vài tỷ, thậm chí vài trăm triệu đồng khi ra rạp. Việc doanh thu phòng vé cao là cú hích đối với các nhà làm phim, tạo động lực và niềm tin cho họ nỗ lực sáng tạo để mang tới những tác phẩm điện ảnh thực sự có giá trị.
Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, phim Việt đang bước vào thời kỳ đa dạng hóa thể loại và phong cách, đó là một tín hiệu rất tích cực. Bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn tài năng Bùi Thạc Chuyên chinh phục phòng vé thành công đã tạo động lực cho các nhà làm phim về lịch sử, chiến tranh. Điều này cũng minh chứng rằng, khán giả không thờ ơ với lịch sử mà cần những bộ phim chạm tới cảm xúc của họ.
Anh chia sẻ: “Chiến thắng này có vai trò vô cùng quan trọng khi đưa dòng phim lịch sử, phim chiến tranh trở lại dòng chính - như sứ mệnh mà nó đã từng đạt được trong những năm chiến tranh và hậu chiến. Một thời, những bộ phim chiến tranh từng nắm giữ vai trò chủ lực của điện ảnh Việt Nam cho đến khi nó bị thoái trào và trở thành phim cúng cụ. Với chiến thắng giòn vang của “Địa đạo”, Bùi Thạc Chuyên không chỉ phá vỡ được định kiến “phim cúng cụ” mà còn làm được một bộ phim chiến tranh xứng tầm và được khán giả cổ vũ cuồng nhiệt”.

Phim “Địa đạo” thành công về mặt doanh thu tạo động lực cho các nhà làm phim.
Nhưng cũng theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, thành công lâu dài cần đi cùng sự đầu tư bài bản từ kịch bản đến hậu kỳ, không thể dựa mãi vào ngôi sao hay hiệu ứng truyền thông.
Về vấn đề này, theo tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, chúng ta đang thiếu những chính sách điện ảnh có tính dài hạn và chiến lược. Những cú bứt phá hiện tại của phim Việt cho thấy tiềm năng rất lớn, nếu tiếp tục nhận được hỗ trợ đúng cách từ nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng làm phim. Phim Việt cần một chiến lược đầu tư bài bản, kỹ lưỡng để phát triển trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung.