Phim kinh dị chiếm sóng màn ảnh: Những màu sắc khác của điện ảnh Việt đang ở đâu?

Sau 2 tuần công chiếu 'Quỷ nhập tràng' chạm mốc doanh thu 131 tỷ đồng, trở thành phim kinh dị ăn khách nhất màn ảnh Việt. Thể loại kinh dị đang bùng nổ về mặt số lượng với doanh thu ngất ngưởng. Song chất lượng phim có xứng đáng với thành tích đạt được? Những màu sắc khác của điện ảnh Việt đang ở đâu?

Khi phim kinh dị liên tục tạo cơn sốt

Ra mắt vào ngày 7/3, tính đến cuối ngày 21/3 tác phẩm “Quỷ nhập tràng” đã cán mốc 131 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần (theo Box Office Vietnam), vượt qua “Ma da” (127 tỷ đồng) để trở thành phim kinh dị Việt ăn khách nhất.

Lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian, "Quỷ nhập tràng" trở thành tác phẩm kinh dị ăn khách nhất lịch sử của màn ảnh Việt.

Lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian, "Quỷ nhập tràng" trở thành tác phẩm kinh dị ăn khách nhất lịch sử của màn ảnh Việt.

Ngay khi vừa ra mắt, với 225.000 vé được bán, “Quỷ nhập tràng” cũng lập kỷ lục phim kinh dị Việt có lượng đặt vé cho suất chiếu sớm cao nhất lịch sử. Vào ngày 15/3, phim đạt 100 tỷ doanh thu sau 8 ngày gia nhập đường đua, nhanh chóng vượt xa các phim nước ngoài cùng chiếu tại rạp như “Mickey 17” (đạo diễn Bong Joon Ho), “Sát thủ vô cùng cực hài” (đạo diễn Choi Won Seop), “Bạch Tuyết” (đạo diễn Marc Webb)… Đây cũng là bộ phim thứ 5 góp mặt trong “cơn sóng trăm tỷ” của điện ảnh Việt năm 2025 sau “Bộ tứ báo thủ” (331 tỷ, “Nụ hôn bạc tỷ” (211 tỷ), “Đèn âm hồn” (105 tỷ), “Nhà gia tiên” (238 tỷ).

Ra rạp trong bối cảnh ít đối thủ cạnh tranh, khai thác đề tài phù hợp xu hướng điện ảnh và thị hiếu khán giả những năm gần đây, “Quỷ nhập tràng” của bộ đôi nhà sản xuất Nhất Trung, đạo diễn Pom Nguyễn có tốc độ tăng trưởng và bứt phá doanh thu phòng vé là điều có thể dự đoán.

Nếu trước kia phim kinh dị Việt thường bị “đè bẹp” trên chính sân nhà thì khoảng vài năm trở lại đây, doanh thu dòng phim này bất ngờ có sự đột phá. Trong 3 tháng đầu năm đã có 3 tác phẩm thuộc dòng phim tâm linh, kinh dị khuấy đảo phòng vé Việt gồm: “Nhà gia tiên”, “Đèn âm hồn” và “Quỷ nhập tràng”. Từ 2023 đến nay, điện ảnh nội địa đã xuất hiện nhiều tác phẩm thuộc thể loại kinh dị có doanh thu vượt trội, thậm chí xấp xỉ hoặc trên trăm tỷ đồng. Từ “Làm giàu với ma” (124 tỷ), “Ma da” (127 tỷ), “Lật mặt 4: Nhà có khách” (118 tỷ), “Cám” (117 tỷ) trong năm 2024; “Quỷ cẩu” (108 tỷ), “Kẻ ăn hồn” (gần 67 tỷ) trong 2023,... Có thể nói, đây đang là dòng phim được ưa chuộng bậc nhất tại rạp Việt.

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, 7 phim Việt thuộc thể loại tâm linh kinh dị sắp sửa trình làng gồm: “Âm dương lộ”, “Tìm xác: Ma không đầu”, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, “Dưới đáy hồ”, “Út Lan: Oán linh giữ cửa”, “Làm giàu với ma 2”, “Heo năm móng”, nâng tổng số lượng phim ra rạp nhiều hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Bén rễ từ “kho báu” dân gian, phim kinh dị Việt sở hữu nguồn tư liệu văn hóa dồi dào. Những câu chuyện dân gian, truyền thuyết, hay các tích truyện linh dị trong đời sống đã phủ bóng lên tâm thức người Việt một thế giới tâm linh u ám mà cuốn hút, kỳ bí và ma mị, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho các nhà làm phim trong năm 2025.

Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng tích cực về trang phục, đạo cụ, bối cảnh, góc máy, đáng tiếc những điểm yếu cố hữu của thể loại này vẫn còn đó. Kịch bản nhiều lỗ hổng, tồn đọng “sạn”, nội dung thường đuối ở phần kết; kỹ xảo một số phim chưa tốt; lạm dụng phương thức cũ. “Quỷ cẩu” bị đánh giá kỹ xảo chưa chân thật và gây sợ với hình ảnh “chó trắng thành tinh”. “Cám” bị khán giả và chuyên gia nhận xét nội dung phim thiếu sự chắt lọc, một số nhân vật phụ không được khai thác và phát triển đầy đủ khiến tác phẩm kém thuyết phục.

Bên cạnh thành công nổi bật về mặt doanh sô,ë “Quỷ nhập tràng” cũng vướng phải một số tranh cãi về chất lượng phim. Các diễn viên được nhận xét hoàn thành tròn vai nhưng chưa tạo được bất ngờ, kết cấu phim bị đánh giá lan man, chưa thật sự cao trào. Vốn đến từ cùng ê-kip sản xuất, “Quỷ nhập tràng” cũng được khán giả cho rằng có mô-típ lặp lại “Ma da”, cả phần after credit cũng cùng ý tưởng. Chẳng những thế, dòng phim kinh dị ma quỷ đôi khi dễ sa đà vào mê tín dị đoan.

Những màu sắc khác đang ở đâu?

Nhiều năm qua, điện ảnh Việt chứng kiến nhiều sự bứt phá về doanh thu phòng vé. Các tác phẩm thuộc thể loại tâm linh kinh dị hay các phim của Trấn Thành, Lý Hải là ví dụ điển hình, đó là tín hiệu đáng mừng để phát triển công nghiệp điện ảnh. Nhưng bên cạnh, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh thu chỉ nói lên một phần nhỏ về bức tranh tổng thể. Thực tế một số tác phẩm tạo cơn sốt doanh số vẫn còn hạn chế nhất định về chất lượng phim. Làn sóng trăm tỷ cũng phản ánh một nền điện ảnh đang thiếu sự đa dạng với sự lên ngôi của những bộ phim về đề tài tâm linh kinh dị, gia đình, thị dân nghèo kết hợp tình cảm và hài.

Quỷ nhập tràng được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về người đàn ông ở Quảng Nam, nhiều năm liền sống bên thi thể của vợ.

Quỷ nhập tràng được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về người đàn ông ở Quảng Nam, nhiều năm liền sống bên thi thể của vợ.

Bởi điện ảnh Việt đâu chỉ là một vài bộ phim trăm tỷ của Trấn Thành, Lý Hải hay các tác phẩm kinh dị, tâm linh. Thực tế có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng, phản ánh thị trường vẫn còn rất bấp bênh, thiếu bền vững. Chỉ riêng trong năm 2024 có tổng cộng 28 phim ra rạp, trong đó gồm 5 phim có doanh thu dưới 1 tỷ đồng gồm: “Cu li không bao giờ khóc” (hơn 740 triệu đồng), “Domino: Lối thoát cuối cùng” (gần 600 triệu đồng), “Đóa hoa mong manh” (430 triệu đồng), “Biệt đội hotgirl” (chỉ 67 triệu đồng) và phim tài liệu “Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể” (chỉ 56 triệu đồng). Các phim có doanh thu từ 20 - 40 tỷ đồng gồm: “Cái giá của hạnh phúc” (hơn 26 tỷ đồng), “Hai muối” (gần 41 tỷ đồng), “Ngày xưa có một chuyện tình” (45 tỷ đồng),... còn lại là các phim có doanh thu từ 1 - 7 tỷ đồng.

Xưa nay, phim Việt không thiếu những màu sắc độc đáo, một trong số đó là dòng chảy điện ảnh độc lập, các phim nghệ thuật. Tuy nhiên, những bộ phim Việt được đánh giá cao ở nước ngoài, đạt nhiều giải thưởng uy tín lại không được khán giả trong nước đón nhận. “Cu li không bao giờ khóc” - phim Việt đầu tiên thắng giải “Phim đầu tay xuất sắc nhất” trong khuôn khổ Liên hoan phim Berlin 2024 - dù đạt thành công rực rỡ ở đấu trường quốc tế, lại ngậm ngùi rời rạp Việt với doanh thu 744 triệu đồng.

Trước đó “Bên trong vỏ kén vàng” (đoạt giải “Phim dài đầu tay xuất sắc” tại LHP Cannes 2023) có doanh thu gần 1,5 tỷ đồng; “Tro tàn rực rỡ” (chiến thắng cao nhất tại Liên hoan phim 3 châu lục) chỉ thu về hơn 4 tỷ đồng; “Mưa trên cánh bướm” (giành nhiều giải Liên hoan phim quốc tế 2024) cũng lặng lẽ rời đường đua với doanh thu gần 650 triệu đồng. Có thể nói, với sự cạnh tranh gay gắt, số suất chiếu ít ỏi, doanh thu thấp, con đường đến với khán giả quốc nội của dòng phim độc lập Việt còn lắm gập ghềnh.

Để có thể phát triển bền vững, điện ảnh Việt cần tăng cường đầu tư vào sản xuất và cải tiến nội dung để phù hợp với khán giả hiện đại. Một số chuyên gia cho rằng, các đạo diễn, nhà sản xuất cần tập trung vào một số giải pháp như: đầu tư vào kịch bản chất lượng, có chiều sâu, đảm bảo tính độc đáo, phong phú về thể loại. Bên cạnh đó việc đạt chuẩn mực cao về mặt hình ảnh, âm thanh, và kỹ xảo; đầu tư vào trang thiết bị, đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao cũng giúp nâng tầm sản xuất, cải thiện chất lượng tác phẩm.

Đồng thời việc xây dựng một chiến lược toàn diện như: sử dụng truyền thông xã hội, sự kiện quảng bá thu hút tối đa khán giả xem phim cũng đóng vai trò quan trọng giúp tạo sức hút cho phim từ ban đầu. Đặc biệt, với sự tồn tại song song của dòng phim nghệ thuật, phim độc lập bên cạnh phim mang tính thương mại, rất cần sự hỗ trợ về mặt tài chính, đầu tư dài hạn ưu đãi thuế, quỹ đầu tư cho các dự án sáng tạo hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm tạo cơ hội cho nhiều màu sắc khác nhau trong điện ảnh, chứ không chỉ tập trung vào mục đích thương mại.

Phan Thiên Di

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-kinh-di-chiem-song-man-anh-nhung-mau-sac-khac-cua-dien-anh-viet-dang-o-dau--i764098/
Zalo