Hội tụ về nguồn, lan tỏa năm châu
Khởi nguồn từ vùng đất Tổ Phú Thọ, không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa theo hành trình người Việt mở cõi, cùng kiều bào ta ra thế giới. Vượt thời gian, địa lý và văn hóa, tín ngưỡng ấy trở thành sợi dây kết nối tâm linh bền chặt, hội tụ những trái tim con Lạc cháu Hồng hướng về cội nguồn.
“Tài sản quý” trong hành trình mở cõi
Mỗi dịp tháng Ba Âm lịch, Đền Hùng, Phú Thọ trở thành nơi hội tụ lòng thành kính với Lễ Giỗ Tổ. Đây cũng là nơi khởi phát và là vùng tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, và từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng đầu tiên này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích xã Hy Cương, đình làng Trẹo thị trấn Hùng Sơn... Tỉnh Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương.
Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt, tín ngưỡng ấy đã vượt qua không gian và thời gian, lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: quá trình tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa ra mọi miền trên đất nước Việt Nam có thể nhìn nhận ở hai đợt sóng khác nhau. Từ vùng đất cội nguồn, tín ngưỡng này lan tỏa ra một số địa phương thuộc châu thổ Bắc Bộ. Vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của các tỉnh châu thổ Bắc Bộ. Rồi từ đây, những di tích thờ Hùng Vương được lan tỏa theo hành trình mở nước về phương Nam của người Việt Nam.

Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ. Nguồn: baodantoc.vn
Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được mở rộng với các đền thờ được xây dựng trên hầu khắp các địa bàn cả nước. Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: nếu như năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thời Lê Trung Hưng cả Đại Việt có 73 làng có đền thờ Hùng Vương, hầu hết nằm trong vùng kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước thì hiện nay có nhiều nơi có đền thờ Vua Hùng là Phú Thọ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau... Còn tính về điểm thờ, theo thống kê, cả nước có 1.417 di tích thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương.
Nhiều cộng đồng địa phương đã tự nguyện xây dựng các miếu thờ Hùng Vương, mang theo đất và chân nhang từ Đền Hùng ở Phú Thọ về thờ cúng. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều nơi thờ Vua Hùng nhất, bao gồm Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở Công viên văn hóa Tao Đàn, Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên, Đền tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc… Tại Cần Thơ, ngôi đền thờ Vua Hùng quy mô lớn đã được khánh thành năm 2022, trở thành trung tâm văn hóa, tâm linh quan trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lâm Đồng cũng có Đền Âu Lạc trên núi Phượng Hoàng, mô phỏng Đền Hùng ở Phú Thọ. Các tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang… cũng có các di tích thờ Hùng Vương.
Theo các nhà nghiên cứu, sự lan tỏa mạnh mẽ của tín ngưỡng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trước hết, đó là khát vọng tìm về cội nguồn, là ý thức về một tổ tiên chung, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Trong những giai đoạn lịch sử hào hùng, tín ngưỡng này càng phát huy sức mạnh, trở thành điểm tựa tinh thần, giúp người Việt vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo, được thể hiện qua lễ hội, nghi thức truyền thống, phong tục tập quán, nghệ thuật, ẩm thực dân gian...
“Từ hàng ngàn đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt, Vua Hùng vẫn luôn có vị trí quan trọng đặc biệt như một biểu tượng văn hóa cụ thể, một thực thể tâm linh thiêng liêng khác hẳn với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới. Chính vì thế, từ hàng trăm năm nay, từ nguồn cội của dân tộc ở châu thổ Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được cha ông ta mang theo như một tài sản quý trong suốt hành trình mở cõi trên những vùng đất mới mà hệ thống các di tích thờ Hùng Vương là những minh chứng vật chất sinh động về sự lan tỏa của hình thức tín ngưỡng đặc biệt này” - GS.TS. Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định.
Kết nối người Việt toàn cầu
Trong dòng chảy toàn cầu hóa, khi những giá trị dân tộc có nguy cơ phai nhạt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như “ngọn hải đăng” để mỗi người con đất Việt tìm về bản sắc văn hóa ngàn đời. Đặc biệt, đối với những người xa xứ, tín ngưỡng ấy không chỉ là sợi dây vô hình kết nối với quê hương, mà còn là cầu nối văn hóa, truyền tải những giá trị truyền thống quý báu cho thế hệ mai sau.
Nhiều cộng đồng người Việt ở các quốc gia trên thế giới đã lập đền thờ Hùng Vương hoặc các địa điểm thờ tự để bà con có thể đến dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong ngày quốc lễ. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, Đền thờ Hùng Vương mang tên Quốc Tổ Vọng Từ được xây dựng tại San Jose, California, nơi có đông đảo người Việt sinh sống. Ở Canada, Đức, Nga, Czech, Malaysia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản… bà con Việt kiều cũng có các hoạt động tưởng nhớ, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, của lòng hướng về Tổ quốc thiêng liêng, cũng là dịp để cộng đồng người Việt ở nước ngoài khẳng định mình là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa theo hành trình mở cõi. Ảnh: TVPL
Kỷ nguyên số, không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chắp cánh, vươn xa hơn. 10 năm nay, Ban dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, chính quyền nước sở tại và bạn bè quốc tế lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài. Năm nay, Ban dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học người Việt và bạn bè quốc tế từ 30 quốc gia tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ giỗ Tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2025 vào ngày 7.4 (đúng ngày 10.3 Âm lịch), với chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.
Cùng với tổ chức Lễ dâng hương, Giỗ tổ Hùng Vương tại các nước đã an vị tượng Vua Hùng, cộng đồng kiều bào Liên bang Nga, Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg đăng cai tổ chức trọng điểm chương trình năm ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ giỗ Tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2025 tại Saint Petersburg.
Theo TS. Nguyễn Thị Bích Yến, sáng lập và điều hành Dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam. Chương trình này đã được Ban dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu duy trì tổ chức hàng năm theo một kịch bản chung (từ 2015 đến nay), nhằm tạo dựng một ngày văn hóa chung - ngày biết ơn tổ tiên, kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, xây dựng cây cầu văn hóa hữu nghị vững chắc, tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế…
Sự lan tỏa mạnh mẽ, minh chứng qua hàng nghìn địa điểm linh thiêng trên khắp dải đất hình chữ S và sự hiện diện sâu sắc trong tâm thức cộng đồng người Việt hải ngoại đã khẳng định vị thế tối quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong bảo tồn bản sắc văn hóa và vun đắp tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây cũng là biểu tượng tâm linh kết nối hàng triệu trái tim người Việt năm châu, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về nguồn cội và trách nhiệm đối với đất nước.