Phim du lịch phong cách điện ảnh giúp khám phá vẻ đẹp TPHCM

'50 Flashes' là bộ phim quảng bá du lịch TPHCM đầu tiên được thực hiện theo phong cách điện ảnh mang màu sắc phiêu lưu, giả tưởng.

 Hình ảnh phim "50 Flashes"

Hình ảnh phim "50 Flashes"

Bộ phim 50 Flashes(tạm dịch: 50 Khoảnh khắc) được Sở Du lịch TPHCM thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ sau 24 giờ ra mắt, phim đã nhận được gần 100 nghìn lượt xem và 35 nghìn lượt tiếp cận trên các nền tảng số của kênh Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Lê Hải Yến - tác giả kịch bản và giám đốc sản xuất 50 Flashes - đã chia sẻ với PV Báo PNVN về bộ phim này.

+ Điều gì khiến chị thực hiện bộ phim "50 Flashes"?

Lý do để tôi bắt tay vào 50 Flashes xuất phát từ một thực tế rất rõ ràng: Có một khoảng cách khá lớn giữa cách du khách và công chúng cảm nhận về TPHCM với chiều sâu thực sự của thành phố này.

Tôi từng hỏi rất nhiều người: Khi đến TPHCM, bạn đi đâu, ấn tượng với điều gì? Câu trả lời phần lớn vẫn xoay quanh những địa danh quen thuộc như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… Nhưng rất ít người hiểu vì sao những biểu tượng ấy lại hình thành, câu chuyện lịch sử nào đằng sau, bối cảnh ra đời, tên gọi, hay chất liệu văn hóa tạo nên chúng.

TPHCM là một đô thị sôi động, không ngủ - điều đó ai cũng thấy. Nhưng phía sau nhịp sống náo nhiệt ấy còn là cả một chiều sâu văn hóa, lịch sử và bản sắc. Khi tôi làm chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội sông nước năm 2023, có người nói hay, có người lại bảo "vẫn chưa đủ về TPHCM". Chính từ những câu hỏi như vậy, tôi nhận ra: Không phải chỉ là mình hiểu, mà phải làm sao để khán giả và du khách cũng hiểu.

Tác giả kịch bản - giám đốc sản xuất Lê Hải Yến và đạo diễn Khương Ngọc thực hiện phim "50 Flashes"

Tác giả kịch bản - giám đốc sản xuất Lê Hải Yến và đạo diễn Khương Ngọc thực hiện phim "50 Flashes"

+ Kể câu chuyện về một thành phố như TPHCM - vốn đã rất thân thuộc với nhiều người - điều gì khiến phim "50 Flashes" trở nên đặc biệt?

Trong 50 Flashes, chúng tôi tôn vinh 50 biểu tượng của TPHCM, mỗi biểu tượng lại ẩn chứa một câu chuyện. Không phải là vẻ đẹp bề mặt của công trình, mà là linh hồn của từng địa danh, từng thời kỳ lịch sử. Với một bộ phim du lịch, thử thách không chỉ là quay được cảnh đẹp. Chúng tôi mong muốn phải kể được những câu chuyện có cảm xúc chân thật tại mỗi địa điểm, để mỗi không gian không chỉ là phông nền mà còn là một phần linh hồn của hành trình. Với tôi, trải nghiệm của khán giả luôn là yếu tố trung tâm. Từ suy nghĩ ấy, tôi hình dung ra một bộ phim có thể quảng bá cho du lịch TPHCM không chỉ như một điểm đến, mà như một hành trình cảm xúc, nơi mỗi người có thể tìm thấy nhịp đập riêng của mình.

Chúng tôi lựa chọn kể lại câu chuyện về TPHCM qua một lăng kính điện ảnh mang màu sắc phiêu lưu, mạo hiểm, bí ẩn ly kì và có chút giả tưởng. Đây là lần đầu tiên TPHCM thực hiện một bộ phim quảng bá du lịch theo phong cách này - một bước đi tiên phong và táo bạo, không chỉ về hình thức mà còn về cách tiếp cận trải nghiệm du lịch như một hành trình cảm xúc.

Biểu tượng đầu tiên chúng tôi muốn kể đến, nhắc đến là niềm tự hào của tất cả mọi người dân chính là Bến Nhà Rồng - nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với tinh thần khát khao vươn ra biển lớn, khát vọng tìm độc lập tự do cho dân tộc.

Tại địa đạo Củ Chi, chúng tôi không chỉ làm phim mà đang sống trong một phần lịch sử. Việc đưa thiết bị xuống lòng đất vốn đã là thử thách, thì cảnh quay tái hiện bên trong các hầm chật hẹp, tối tăm, thiếu không khí lại càng đẩy mọi giới hạn. Có lúc cả ekip phải dừng lại để... thở, khói từ đèn dầu lan khắp đường hầm khiến nhiều người chóng mặt, mũi đen kịt vì hít phải khói. Nhưng không ai than phiền, vì ai cũng hiểu sứ mệnh của mình đang tái hiện điều gì. Tôi muốn tái hiện và mang lại cảm giác sống động cho khán giả, bởi không chỉ ở trong đường hầm hẹp mà phía trên hầm còn tiếng bom rơi, đạn lạc, đất rung chuyển.

+ Chị muốn gửi gắm thông điệp gì qua bộ phim du lịch này?

Thực ra đơn giản lắm, tôi chỉ mong sau khi xem xong, mọi người xách ba lô lên và đi. Vì 50 Flashes không phải là phim tài liệu, nó không có nhiều thời lượng để giải thích rõ nhân vật đó là ai, vì sao họ đi, hành trình đó dẫn họ tới đâu. Thay vì giải thích, tôi chọn cách gợi mở. Bộ phim giống như một lời mời, một người hướng dẫn viên bằng hình ảnh - mở ra một hành trình khám phá. Chúng tôi chỉ đưa ra một dấu hiệu, một cánh cửa - còn bước vào, đi tiếp bao xa, đó là lựa chọn và trải nghiệm cá nhân của từng người.

Tôi luôn tin rằng, du lịch không chỉ là đi để ngắm. Đi là để học, để cảm, để hiểu thêm một lát cắt lịch sử, một câu chuyện văn hóa, hay thậm chí chỉ là một thoáng xúc động rất riêng giữa khung cảnh xưa cũ nào đó. Và 50 Flashes chính là lời gợi ý đầu tiên cho điều đó. Nó rất phù hợp với tinh thần "Find Your Vibes" mà ngành du lịch TPHCM đang hướng đến. Bởi vì mỗi người sẽ thấy rung động với một điều gì khác nhau. Nếu mình kể hết rồi, giải thích hết rồi thì du khách còn gì để tự khám phá nữa?

Tôi không muốn đưa khán giả đến đích. Tôi muốn họ bắt đầu hành trình và nếu có một thông điệp duy nhất tôi gửi qua phim này, thì đó chính là: Hãy xách ba lô lên và đi. Hãy để trái tim dẫn bạn đến những điều mà lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam đang chờ bạn khám phá.

50 Flashes do Khương Ngọc đạo diễn, có sự tham gia của: NSƯT Hữu Châu, NSƯT Tuấn Lin, diễn viên Đại Ơi.... Phim xoay quanh nhân vật chính là một du khách nước ngoài trong hành trình khám phá TPHCM. Anh vào một tiệm đồ xưa và được trao cho một chiếc máy ảnh cổ, từng thuộc về một phóng viên thời chiến. Anh tình cờ chạm vào nút chụp của chiếc máy ảnh cổ và bị cuốn vào một chuyến du hành kỳ ảo xuyên qua không gian và thời gian, đi qua nhiều địa điểm mang tính biểu tượng của thành phố. Trên hành trình đặc biệt ấy, nhân vật chính không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, mà còn trực tiếp trải nghiệm những lát cắt văn hóa, dấu ấn lịch sử và nhịp sống đặc trưng của TPHCM - từ quá khứ đến hiện tại, từ những công trình cổ kính đến các không gian đậm chất đương đại.

Chi Mai

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phim-du-lich-phong-cach-dien-anh-giup-kham-pha-ve-dep-tphcm-20250426100342569.htm
Zalo