Philippines thu hồi giấy phép các nền tảng cờ bạc trực tuyến POGO
Giấy phép của tất cả các nhà điều hành nền tảng cờ bạc trực tuyến có trụ sở tại Philippines, gọi là POGO sẽ bị thu hồi vào ngày 15/12/2024. Đây là cam kết của Cơ quan lý vấn đề trò chơi và giải trí Philippines đưa ra với tổng thống nước này.
Trong cuộc họp báo tại Cung điện, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Cơ quan lý vấn đề trò chơi và giải trí Philippines (Pagcor) Alejandro Tengco cho biết sẽ không gia hạn giấy phép cho những năm tiếp theo. Vì vậy, nếu vẫn còn những người nói rằng họ sẽ tiếp tục kiếm sống hoặc hoạt động vì có giấy phép hợp lệ là hoàn toàn không chính xác, vì đến ngày 31/12/2024, cơ quan này sẽ hủy bỏ giấy phép hoạt động của tất cả các POGO.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr Marcos đã ra lệnh cấm hoàn toàn các nền tảng cờ bạc trực tuyến từ tháng 7 năm nay. Kể từ đó, số lượng nhà điều hành và nhà cung cấp dịch vụ trò chơi nước ngoài trong nước giảm xuống còn khoảng 60 so với mức hơn 300 trước đó. Cho đến nay, chỉ có 7 POGO có giấy phép đang hoạt động.
Trước đó Cơ quan quản lý vấn đề trò chơi và giải trí Philippines lưu ý rằng việc đóng cửa các hoạt động POGO sẽ dẫn đến thiệt hại ước tính từ 20 đến 25 tỷ peso doanh thu. Tuy nhiên Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương (DILG) cho biết điều này sẽ không gây ra tác động “đáng kể” đến nền kinh tế chung của đất nước, vì các biện pháp tái cấp vốn và doanh thu khác của Bộ Tài chính sẽ bù đắp phần lớn khoản lỗ này. Ủy ban chống tội phạm có tổ chức của Tổng thống (PAOCC) cũng cho biết sẽ tích cực truy quét các hoạt động cờ bạc trực tuyến diễn ra ngầm trên khắp cả nước.
Ngành POGO xuất hiện ở Philippines vào năm 2016 và Philippines đã trở thành một trung tâm lớn cho trò chơi cờ bạc trực tuyến, phục vụ hàng chục nghìn người chơi đến từ Trung Quốc. Quyết định đóng cửa các POGOs nhận được sự hoan nghênh của các nhà lập pháp sau khi mối quan ngại ngày càng tăng ở Philippines về sự bùng nổ của ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến. Tổng thống Marcos nhấn mạnh, bằng cách ngụy trang thành các thực thể hợp pháp, các nền tảng cờ bạc này đã núp bóng nhiều hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo tài chính, rửa tiền, mại dâm, buôn người, bắt cóc…
Trong những năm gần đây, Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng của các tổ chức lừa đảo trực tuyến, vốn thu được lợi nhuận khổng lồ từ các nạn nhân trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, nhiều người làm việc cho các tổ chức lừa đảo này cũng là nạn nhân của nạn buôn người.