Sách giáo khoa giả 'lộng hành', quản lý thị trường đề xuất tăng mức phạt

Tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước

Hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, sự phát triển của mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có xu hướng đẩy mạnh kinh doanh online.

Sách vở, đồ dùng học tập cũng không ngoại lệ khi chỉ cần ngồi ở nhà, với vài cú click chuột là được ship đến tận nơi mà không phải chen chúc lựa chọn, chờ thanh toán. Đó cũng là cơ hội để cho sách lậu, sách giả lộng hành.

Tràn lan tình trạng sách giáo khoa giả

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh, tình trạng sản xuất và kinh doanh sách giáo khoa giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hóa vẫn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất bản, doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, cũng như các đối tác liên kết.

Điều này còn dẫn đến thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Sách giả, sách lậu hiện nay được in ấn rất tinh vi, độ giống sách thật có thể lên đến 95%, khiến ngay cả những người trong ngành cũng khó nhận ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, việc truy vết các đối tượng vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do việc sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh hoặc thiếu thông tin rõ ràng.

Đội QLTT số 4, Cục QLTT Tây Ninh phát hiện Nhà sách Kiều Trâm trên đang buôn bán các loại sách giáo khoa nhiều khối lớp học khác nhau có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa với số lượng 5.547 quyển, tổng trị giá hàng hóa 117.528.000 đồng.

Đội QLTT số 4, Cục QLTT Tây Ninh phát hiện Nhà sách Kiều Trâm trên đang buôn bán các loại sách giáo khoa nhiều khối lớp học khác nhau có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa với số lượng 5.547 quyển, tổng trị giá hàng hóa 117.528.000 đồng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh cho biết, tình trạng sản xuất và kinh doanh sách giáo khoa giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hóa hiện nay đang diễn biến phức tạp.

Các sản phẩm sách giả thường có những sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, và nội dung, thậm chí thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin, dẫn đến sự sai lệch về kiến thức, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp nhận thông tin của học sinh.

Ngoài ra, các sách giả và sách in lậu thường có chất lượng giấy kém, in ấn mờ, không đạt chuẩn kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, đặc biệt là thị lực.

Hơn nữa, việc sử dụng sách giả sẽ khiến học sinh không thể truy cập vào các giá trị, tài liệu và tiện ích bổ sung có sẵn trong các xuất bản phẩm giáo dục chính hãng.

Ông Châu Thanh Long cũng cho biết, để đối phó với tình trạng sách giả và sách lậu, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đồng thời siết chặt công tác quản lý, xử lý và phát hiện, thu giữ hàng nghìn xuất bản phẩm giả mạo nhãn hiệu và bao bì của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, hoạt động kiểm tra này nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn tỉnh.

Để triệt để ngăn chặn vấn nạn sách giáo khoa giả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự nhận thức và cảnh giác của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng.

Ông Võ Phú Quý, Đội trưởng Đội QLTT số 4, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, cho biết, mặc dù các quy định pháp luật đã quy định rõ mức phạt đối với hành vi buôn bán sách giả, nhưng mức độ xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để các đối tượng vi phạm.

Điều này là do hoạt động sản xuất và buôn bán sách giả mang lại lợi nhuận lớn, với chi phí in ấn thấp nhưng giá bán cao, tạo ra chênh lệch lợi nhuận khổng lồ.

Thêm vào đó, các đối tượng buôn bán sách giả thường áp dụng những phương thức tinh vi để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, như sử dụng địa chỉ ảo, tài khoản ẩn danh và thay đổi địa điểm liên tục, khiến việc phát hiện và xử lý trở nên khó khăn.

Ông Châu Thanh Long - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh.

Ông Châu Thanh Long - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh.

Ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, cho biết để ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả, cần xem xét tăng mức phạt hành chính và hình sự, đặc biệt với các trường hợp tái phạm hoặc quy mô lớn.

Việc truy trách nhiệm hình sự và áp dụng mức án nghiêm khắc sẽ gửi thông điệp rõ ràng về bảo vệ quyền lợi tác giả và nhà xuất bản.

Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền pháp luật trong năm 2025. Các nhà xuất bản cần áp dụng công nghệ như mã QR, tem chống giả và các nền tảng thương mại điện tử cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm.

Ths.LS.Đặng Thị Thúy Huyền, Đoàn luật sư Tp.HCM, Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự.

Ths.LS.Đặng Thị Thúy Huyền, Đoàn luật sư Tp.HCM, Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự.

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền cho biết, hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả và các ấn phẩm khác sẽ bị xử phạt theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Xâm phạm quyền tác giả.

Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc tù lên đến 3 năm. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, các vi phạm còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho tác giả, nhà xuất bản.

Sáng 12/6, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Nhà sách Kiều Trâm, số 76, đường Võ Thị Sáu, khu phố 4 (phường 3, Tp.Tây Ninh). Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhà sách này đang bán 5.547 quyển sách giáo khoa các cấp học, có dấu hiệu giả mạo nhãn mác và bao bì sản phẩm. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm được xác định lên đến hơn 117 triệu đồng.

Các quyển sách giáo khoa này đều có in tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tem chống hàng giả, nhưng khi kiểm tra bằng đèn chiếu, các tem không xuất hiện họa tiết phản quang "GD", không có họa tiết in nổi và lớp nhũ trên tem không thể cào được. Ngoài ra, các quyển sách này cũng không được đóng trong thùng carton của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 4 đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sach-giao-khoa-gia-long-hanh-quan-ly-thi-truong-de-xuat-tang-muc-phat-204241212082309652.htm
Zalo