Philippines khẩn trương ngăn 'thảm họa môi trường' do chìm tàu chở dầu
Philippines ngày 14/8 bắt đầu thu hồi 1,4 triệu lít dầu nhiên liệu công nghiệp từ một tàu chở dầu bị chìm ngoài khơi Vịnh Manila. Các nhà hoạt động môi trường cảnh báo nếu dầu tràn ra vịnh có thể gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Tàu chở dầu treo cờ Philippines bị lật và chìm ngoài khơi Manila vào ngày 25/7 vừa qua, khiến một thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng khi con tàu cố gắng quay trở lại cảng trong bối cảnh thời tiết xấu do Bão Gaemi gây ra. Con tàu chở 8 thùng dầu nhiên liệu công nghiệp khi bị chìm.
Các nhà chức trách mất 3 tuần để kiểm soát lượng dầu tràn ra và lắp đặt thiết bị để loại bỏ dầu nhiên liệu khỏi con tàu hiện nằm dưới đáy vịnh, cách mặt nước biển khoảng 34 mét (112 feet). Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, hoạt động hút dầu cho bể chứa đầu tiên đang diễn ra.
Nếu việc kiểm soát dầu không được khẩn trương tiến hành sẽ là một "thảm họa môi trường" và là vụ tràn dầu nghiêm trọng nhất của Philippines. Tuy nhiên lượng dầu tràn là rất nhỏ, nhưng chính quyền địa phương vẫn áp đặt các vùng "cấm đánh bắt", ảnh hưởng đến hàng chục nghìn ngư dân trong vịnh.
Cục Thủy sản và Tài nguyên Nước (BFAR) Philippines kêu gọi người dân "thận trọng khi tiêu thụ cá từ các khu vực bị ảnh hưởng do nguy cơ ô nhiễm hóa dầu".
Một trong những vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Philippines xảy ra vào tháng 2/2023, khi một tàu chở dầu chở 800.000 lít dầu nhiên liệu công nghiệp bị chìm ngoài khơi đảo Mindoro ở miền trung. Dầu diesel và dầu đặc từ tàu đã làm ô nhiễm vùng nước và bãi biển dọc theo bờ biển của tỉnh Oriental Mindoro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đánh bắt cá và du lịch của Philippines.