Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
Sáng 25/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí tổ chức phiên họp thứ nhất nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn ban chỉ đạo; triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới; xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Cụ thể, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được tăng cường, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; công tác quản lý chi ngân sách nhà nước được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã được các bộ, cơ quan trung ương đảm bảo đúng mục tiêu.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện, tập trung kiểm tra, kiểm soát, không để thất thoát, lãng phí, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng khai thác từng loại tài nguyên thiên nhiên được chú trọng, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng;…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, công tác phòng, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tập trung nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng, chống lãng phí tiếp tục được nâng lên.
Tại phiên họp thứ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã thảo luận, làm rõ kết quả thực hiện phòng, chống lãng phí của cơ quan, địa phương mình; thẳng thắn nêu rõ những lĩnh vực gây lãng phí ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng lãng phí cần tập trung triển khai trong thời gian tới;…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (ảnh chụp màn hình trực tuyến)
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Thời gian qua, công tác phòng, chống lãnh phí đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương quan tâm triển khai, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, lãng phí vẫn còn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,…
Để công tác phòng, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tiếp tục thống nhất về mặt nhận thức trong công tác phòng, chống lãng phí đi đôi với hành đồng bằng những cam kết, kế hoạch, chương trình triển khai; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật trong công tác phòng, chống lãng phí; rà soát các dự án đang triển khai, nhất là các dự án chậm tiến độ, dự án gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước… để kịp thời xây dựng kế hoạch thúc đẩy tiến độ, giảm lãng phí cho ngân sách nhà nước;…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và sự vào cuộc của Nhân dân và doanh nghiệp. Việc triển khai công tác phòng, chống lãng phí phải đi vào thực chất, quyết liệt; phải gắn với lợi ích của đất nước và gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.