Phiên họp thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024

Chiều 6/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Đề án 06 năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới đầu cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên BCĐ, tổ giúp việc BCĐ CĐS tỉnh, tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Các địa biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Các địa biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022 và xếp ở vị trí thứ 5/11 tại Đông Nam Á. Luật Viễn thông, Luật Dữ liệu được xây dựng và sửa đổi đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu, tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động tăng 14 bậc, xếp hạng 37/110 quốc gia trên thế giới. Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 đạt 152 tỷ USD, bằng 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, nhanh nhất Đông Nam Á. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam cũng thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đây mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển. Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ Internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023. Trong năm, Việt Nam đưa vào khai thác 1 tuyến cáp biển mới và là tuyến có dung lượng lớn nhất (20Tbps); xác lập thêm 4 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, nâng tổng số lên 10 CSDL quốc gia; các bộ, ngành, địa phương xác lập thêm 678 CSDL, tăng 30%.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Doanh thu đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh, đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%. Tỷ trọng kinh tế số ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á; thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới; đứng thứ 4/38 nước khu vực Châu Á, Thái Bình Dương về an toàn thông tin. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ.

CSDL về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VnelD, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng. Trong năm, Ủy ban Quốc gia về CĐS hoàn thành và cơ bản hoàn thành 9/10 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu hoàn thành ở mức 100%, 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, 3 chỉ tiêu hoàn thành từ 80 - 92,5% mục tiêu đề ra. Hoàn thành 44/63 nhiệm vụ; các nhiệm vụ thường xuyên đều được thực hiện đạt kết quả tốt.

Năm 2025, Ủy ban Quốc gia về CĐS tập trung chỉ đạo triển khai CĐS toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8 - 10% trong năm 2025. Mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 20,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, tập trung làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ CĐS. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả CĐS…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh chính đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CĐS và thực hiện Đề án 06/CP năm 2024. Thủ tướng nhấn mạnh CĐS là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. CĐS phải "toàn dân, toàn diện, toàn trình" ở tất cả các cấp ngành, phù hợp với xu thế phát triển thế giới, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Đặc biệt, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể thúc đẩy sự phát triển.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia; phải triển khai nhanh, có hiệu quả, tránh hình thức, qua loa, đại khái. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về CĐS, đa dạng hóa về hình thức, nội dung, kết quả để phục vụ nhân dân. Thống nhất về nhận thức và hành động, đổi mới tư duy đối với đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Thủ tướng giao nhiệm vụ kèm theo thời hạn thực hiện và lưu ý sẽ xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân chậm tiến độ.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế.

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phien-hop-thu-10-tong-ket-hoat-dong-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-va-de-an-06-nam-2024-3175334.html
Zalo