Nhiều đột phá tạo tiền đề nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ khẳng định, những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới.
Chính sách đưa ra rất trúng và rất đúng
Thưa ông, Dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) có nhiều quy định mới mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp bất thường trong tháng 2/2025, ông đánh giá thế nào về Dự án Luật này?
- Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh đất nước vươn mình sang kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có những bước tiến đột phá trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời tạo ra khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “Trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi…”. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan có trách nhiệm đã rất cố gắng để ban hành văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng sự điều chỉnh của pháp luật còn chậm trễ so với yêu cầu của cuộc sống, nhiều quy định thiếu tính khả thi, xa rời thực tế... Sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL chính là một công việc cần làm ngay để khắc phục tình trạng trên.
Nội dung dự thảo Luật tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, đáng chú ý là việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; đồng thời quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật… Những quy định này được kỳ vọng sẽ từng bước ngăn chặn hữu hiệu tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, thưa ông?
- Có thể nói rằng những chính sách đưa ra trong việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật lần này đã rất trúng và rất đúng với những vấn đề đang đặt ra qua tổng kết quá trình thi hành luật, đó là “Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc...; Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành” (Tổng Bí thư Tô Lâm). Với mối lo ngại về việc khó bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, nhiều khi các đạo luật đã quy định quá chi tiết, nhất là về trình tự, thủ tục, quy trình… vô hình trung đã khiến cho các quy phạm trở “khô cứng” tạo ra những khó khăn không đáng có, cản trở sự linh hoạt, sáng tạo cho quá trình tổ chức thực hiện. Trên thực tế thì dù cố gắng đến đâu, pháp luật khó có thể dự liệu hết các tình huống phát sinh trên thực tế và những vấn đề mới nảy sinh trong các lĩnh vực quản lý và phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể. Đó là vấn đề đã được nhìn nhận nghiêm túc và thể hiện sự đổi mới trong dự thảo luật sửa đổi lần này.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm đó là quy định về sự chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan soạn thảo đối với dự án luật. Hầu hết các dự án luật trình lên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và hướng đến giải quyết các vấn đề của thực tiễn quản lý. Vì vậy nó phải thể hiện sự nhất quán về định hướng và chính sách trong suốt quá trình soạn thảo và thông qua luật dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền theo một trình tự chặt chẽ. Tình trạng “cắt khúc” hiện nay của quy trình làm luật khiến cho những ý tưởng đổi mới ban đầu có thể không còn nữa, dẫn đến việc một số đạo luật khi ban hành không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Những quy định trong dự thảo luật sửa đổi luật lần này đã mạnh dạn thể hiện đổi mới với việc nhấn mạnh việc cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm đến cùng với đạo luật do mình xây dựng. Cùng với đó là việc tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo, đặc biệt là người đứng đầu nhằm bảo đảm sự giám sát trong suốt quá trình soạn thảo một cách công khai, minh bạch để loại trừ các tác động của các “nhóm lợi ích”, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
Cần thiết kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật
Dự thảo Luật cũng tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành VBQPPL; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật… Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?
- Pháp luật chỉ có ý nghĩa khi nó được thi hành và phát huy tác dụng trên thực tiễn. Khi đã có một đạo luật tốt thì việc thi hành là bước quan trọng tiếp theo. Điều này phụ thuộc vào nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai cũng như mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến các quy định của đạo luật đó với các mức độ khác nhau.
Việc có những quy định về thi hành pháp luật mà dự thảo Luật đưa ra lần này là cần thiết, khắc phục tình trạng có những quy định phù hợp nhưng lại chậm đi vào cuộc sống do thiếu những quy định chỉ rõ người, rõ việc thực hiện trách nhiệm này. Việc kiểm tra xử lý văn bản quy phạm trái luật cũng là điều hết sức cần thiết để đạo luật được áp dụng theo đúng tinh thần của nó, nhất là để xử lý tình trạng không ít văn bản quy phạm qua kiểm tra cho thấy đã không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Cùng với các quy định về kiểm tra và xử lý vi phạm trong đạo luật này, có lẽ cũng cần nghĩ đến việc nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp (cụ thể là Tòa án) trong việc kiểm tra và xử lý các văn bản trái pháp luật, nhất là các văn bản được ban hành của cơ quan quản lý nhà nước.
Đánh giá tác động và lấy ý kiến phản biện là một khâu cực kỳ quan trọng
Thưa ông, thời gian qua, việc thực hiện đánh giá tác động của chính sách, pháp luật; lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL vẫn còn nhiều hạn chế, ông đánh giá thế nào về những đổi mới trong công tác này tại dự thảo Luật?
- Đánh giá tác động và lấy ý kiến phản biện là một khâu cực kỳ quan trọng, bởi lẽ nó cho phép hình dung một cách có cơ sở những điều gì xảy ra trong tương lai để minh chứng cho sự cần thiết của sự ra đời của đạo luật đó. Ngoài ra, việc lấy ý kiến, phản biện xã hội cũng là sự bảo đảm cho đạo luật có tính khả thi, bởi trên thực tế, những ý kiến phản biện mang đến cho cơ quan soạn thảo và những cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua có cái nhìn toàn diện, đa chiều đối với các quy định của dự thảo luật…
Từ trước đến nay, công việc này tuy được thực hiện nhưng còn khá hình thức. Luật sửa đổi lần này đã có những quy định để nâng cao chất lượng lấy ý kiến cũng như phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của các đạo luật được ban hành. Điều này được thể hiện ngay trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL khi mà Cơ quan soạn thảo cũng đã hết sức cầu thị, mở các kênh tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các luật gia, nhà khoa học, những nhà quản lý và đặc biệt là của người dân, của cộng đồng DN, trên cơ sở đó Dự thảo Luật cũng đã liên tục được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ rõ, pháp luật chưa đáp ứng thực tiễn cũng là một nguyên nhân gây ra lãng phí. Theo ông, những nội dung được đánh giá là đột phá tại dự thảo Luật lần này có giải quyết được căn bản tình trạng lãng phí hiện nay?
- Lãng phí đang ngày càng trở nên trầm trọng, phá hoại nguồn lực, cản trở sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cần coi phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thể chế không tốt là nguyên nhân quan trọng gây ra lãng phí. Nếu như lãng phí xuất phát từ nhận thức, thái độ hay hành vi cụ thể của một hoặc một số người nào đó, mức độ gây hại thường không lớn thì lãng phí từ quy định của pháp luật lại là nguyên nhân dẫn đến lãng phí có tính hệ thống với hậu quả không thể tính toán hết. Pháp luật không tốt, có nhiều “lỗ hổng” sẽ gây ra tiêu cực, tham nhũng, là nguyên nhân của tình trạng khai thác tài nguyên vô tội vạ; quy định về thuế không phù hợp dẫn đến đầu cơ; thể chế về tổ chức bộ máy không phù hợp dẫn đến chồng chéo trong hoạt động, lãng phí nguồn lực; quy định về thủ tục hành chính gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân và DN, làm mất cơ hội…
Vì vậy có thể khẳng định rằng những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá trong Dự án Luật Ban hành VBQPPL lần này sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật góp phần giải quyết căn bản tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng...
Trân trọng cảm ơn ông!
TS Đinh Văn Minh: “Là người đã tham gia nghiên cứu, soạn thảo và xây dựng nhiều văn bản pháp luật cũng như trực tiếp theo dõi việc thực thi pháp luật hơn 30 năm qua, tôi cảm nhận rất rõ những hạn chế của quá trình ban hành các văn bản pháp luật nên thực sự vui mừng khi Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung ngay đạo luật quan trọng này. Bộ Tư pháp cùng với các cơ quan có trách nhiệm đang ngày đêm làm việc để giúp Chính phủ hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất để chúng ta sớm có một công cụ chuẩn mực, làm tiền đề cho quá trình nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật”.