Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong trường hợp không tiến hành hòa giải được

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã phát huy vai trò là một trong những hoạt động tố tụng quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng tranh tụng, đảm bảo hiệu quả của hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Đây là quy định mới hoàn toàn so với pháp luật tố tụng trước đây, mục đích nhằm bảo đảm mọi chứng được công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng, bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ trong vụ án; việc công khai yêu cầu, ý kiến của đương sự.

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã phát huy vai trò là một trong những hoạt động tố tụng quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng tranh tụng, đảm bảo hiệu quả của hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự.

Theo quy định của BLTTDS năm 2015, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có nhiệm vụ và quyền hạn tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (Khoản 7 Điều 48 và Khoản 2 Điều 203 BLTTDS).

Việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong quá trình chuẩn bị xét xử là bắt buộc, trừ một số trường hợp Thẩm phán không tiến hành phiên hòa giải đối với những vụ án không được hòa giải và những vụ án không tiến hành hòa giải được theo Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS.

Đó là các vụ án: 1.Yêu cầu bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; 2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; 3. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn cố tình vắng mặt; 4. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì lý do chính đáng; 5. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; 6. Một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Phiên xét xử của TAND TP. Pleiku

Phiên xét xử của TAND TP. Pleiku

Trước khi Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); người phiên dịch (nếu có); đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động về thời gian, địa điểm, nội dung của phiên họp để các đương sự người đại diện hợp pháp của đương sự chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ giao nộp, nội dung trình bày, tại phiên họp đảm bảo nguyên tắc tranh tụng.

Thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai, chứng cứ và hòa giải đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và cách hiểu, áp dung không thống nhất, như về thời điểm, số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; về xác định phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; thời điểm giao nộp tài liệu, chứng cứ; về nội dung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; việc hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, …

Trong nội dung bài viết tác giả xin được đề cập đến trường hợp mở phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong trường hợp vụ án không hòa giải được do một bên đương sự yêu cầu không tiến hành hòa giải theo quy định tại Khoản 4 Điều 207 và Khoản 2 Điều 208 của BLTTDS.

Trong vụ án, Thẩm phán ban hành thông báo cho các đương sự biết về thành phần, thời gian, địa điểm, nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Đến ngày mở phiên họp nguyên đơn có mặt, nhưng bị đơn vắng mặt, tại phiên họp nguyên đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải với bị đơn và đề nghị Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngay và không tiến hành hòa giải, sau đó quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong thực tế xét xử, có Thẩm phán chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, thực hiện luôn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ với lập luận cho rằng: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 208 của BLTTDS, vụ án đương sự yêu cầu không tiến hành hòa giải thì Thẩm phán được quyền mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngay.

Người viết cho rằng trong trường hợp này, Thẩm phán phải hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ để thông báo cho bị đơn thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ lần thứ hai và không mở phiên họp hòa giải.

Vì theo quy định tại Điều 70 của BLTTDS quyền và nghĩa vụ của các đương sự là ngang nhau, bình đẳng trước pháp luật và trước Tòa án, nên nguyên đơn có quyền yêu cầu không hòa giải, nhưng thời điểm yêu cầu phải thực hiện trước khi Tòa án ban hành Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, để Thẩm phán thông báo cho bị đơn về việc Tòa án chỉ mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ một lần duy nhất mà không tiến hành phiên hòa giải.

Nếu đến tại phiên họp nguyên đơn mới yêu cầu không tiến hành hòa giải do bị đơn vắng mặt mà Thẩm phán chấp nhận thì bị đơn sẽ không có cơ hội để được tiếp cận, giao nộp bổ sung hoặc chuẩn bị ý kiến tranh tụng tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Vì vậy, trường hợp này rất cần sự hướng dẫn sớm của TANDTC để các Tòa án địa phương áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hoàng Văn Tiến-Phó Chánh án TAND TP. Pleiku

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/phien-hop-kiem-tra-viec-giao-nop-tiep-can-cong-khai-chung-cu-trong-truong-hop-khong-tien-hanh-hoa-giai-duoc-444934.html
Zalo