Tràn lan tin giả trong bão số 3, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo
Trong khi bão số 3 vẫn đang gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều địa phương miền bắc, một loạt tin giả (fake news) đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Trong khi bão số 3 vẫn đang gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều địa phương miền bắc, một loạt tin giả (fake news) đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng để trục lợi trái phép thông qua việc giả danh các cá nhân, cơ quan, tổ chức … để kêu gọi từ thiện.
TRÀN LAN TIN GIẢ VỀ BÃO SỐ 3
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã đưa tin, ngay từ khi trước khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện loạt hình ảnh ghi lại cảnh Philippines tan hoang đổ nát với chú thích: "Hình ảnh sau khi bão đổ bộ vào Philippines khiến hàng chục nghìn người tại miền trung Philippines ra đi..." hay "2 giờ sau khi SIÊU BÃO YAGI đi qua Philippines". Đặt trong thời điểm siêu bão Yagi chuẩn bị tiến sát vùng biển Việt Nam, thông tin trên ngay lập tức gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng. Chính vì thế, nhóm hình ảnh đã được lan truyền chóng mặt trên nhiều diễn đàn và trang cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế, những hình ảnh được lan truyền trên mạng được chụp tại Philippines sau cơn bão Haiyan năm 2013. Đây là một trong những siêu bão lớn nhất từng được ghi nhận khi có sức gió cao nhất lên tới 313 km/giờ.
Tiếp đó, khi bão chính thức đổ bộ vào đất liền, một loạt tin tức thiếu kiểm chứng, đồn thổi tiếp tục xuất hiện trên các nền tảng số lẫn… một số cơ quan báo chí. Điển hình như các thông tin sập nhà 2 tầng trên phố Khâm Thiên, vỡ đê tại Hải Phòng, Sóc Sơn, Phú Thọ…
Đến giai đoạn “hậu bão”, nạn fake news lên tới cao trào khi một loạt thông tin sai sự thật liên tiếp bùng nổ. Điển hình nhất là hình ảnh 3 người trong gia đình tại Hà Giang chạy lũ và clip em bé Mèo Vạc khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi.
Theo đó, từ sáng 11/9, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh người chồng ngâm mình trong nước lũ, đẩy theo một chiếc chậu, bên trong có người vợ đang ôm chặt con trai. Gương mặt chị mếu máo, đầy lo lắng. Đính kèm là dòng chú thích cho biết đây là một gia đình ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bức ảnh đã tạo nên cơn sốt ngay sau khi đăng tải, được nhiều fanpage nổi tiếng, thậm chí cả cơ quan báo chí sử dụng lại. Tất cả đều xót xa với nỗi vất vả của người dân phải chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Tuy nhiên, tối muộn cùng ngày, Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh đã lên tiếng khẳng định hình ảnh kể trên chỉ là dàn dựng. Những người trong ảnh là Youtuber. Chính quyền địa phương đề nghị người dân cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin chưa được xác minh trên mạng xã hội.
Tiếp đó phải kể đến một đoạn clip ghi lại cảnh một em bé khóc nức nở tại vùng cao kèm chú thích: Em bé đang đi tìm mẹ, nhưng mẹ em đã bị lũ cuốn mất. Video lập tức gây xúc động mạnh cho người xem, nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ… trước khi chính cô giáo của em bé lên tiếng khẳng định: Đây là fake news. Thực tế, mẹ bé vẫn sống khỏe mạnh bình thường.
Một điểm chung của “cơn bão tin giả” liên quan đến bão số 3 là thường giật gân, ăn theo các sự kiện mang tính thảm họa. Thí dụ điển hình phải kể đến dòng trạng thái liên quan tới vụ sập cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ sáng 9/9.
Khoảng 2 tiếng sau khi sự cố diễn ra, một số trang và tài khoản Facebook đã đưa thông tin: “Xe con trôi cầu Phong Châu lũ cuốn 10 cây số đã cứu được và 4 người trong xe còn sống vào bờ an toàn. Phép mầu mong đến những người tiếp theo”.
Qua kiểm chứng, thông tin trên là sai sự thật. Theo đó, thực tế vụ việc chiếc ô-tô bị trôi xảy ra trên địa bàn xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn vào rạng sáng hôm 8/9. Dòng trạng thái xuất hiện trong lúc công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời gây ra tâm lý bất an cho hàng chục thân nhân các nạn nhân khi đó đã có mặt tại hiện trường.
Trong khi nhiều địa phương đang hết sức nỗ lực xử lý các vấn đề do mưa bão, sạt lở, lũ quét hoành hành, gây mất mát lớn cả về người và tài sản, những hành vi lan truyền thông tin sai lệch không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống bão lụt và tình hình an ninh, trật tự.
MẠO DANH, TRỤC LỢI TỪ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN
Nếu như việc đưa ra thông tin thiếu kiểm chứng chủ yếu nhằm thu hút tương tác, câu “like”, thì nhiều đối tượng xấu thậm chí còn lợi dụng tình hình bão lũ để kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu, ngày 11/9, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, kêu gọi chuyển tiền ủng hộ vào một tài khoản cá nhân để ủng hộ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo huyện Lâm Thao đã khẳng định thông tin đưa ra là không chính xác; đồng thời cảnh báo người dân nên nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.
Một số người dùng mạng xã hội khác cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể người này đã chuyển số tiền lên cả trăm triệu đồng cho một người mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, người kia đã… biến mất.
Các chuyên gia bảo mật thậm chí còn cảnh báo về hiện tượng kẻ xấu tạo ra những hình ảnh đáng thương liên quan đến bão lũ… bằng công nghệ AI, sau đó lợi dụng lòng thương để lừa các nạn nhân chuyển tiền từ thiện.
Mới đây nhất, tại tỉnh Sóc Trăng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.Các đối tượng sử dụng các số điện thoại lạ liên tục gọi điện cho người dân kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào trong vùng bão, lũ.
CẦN TỈNH TÁO VÀ TÌM ĐẾN NHỮNG NGUỒN TIN CHÍNH THỐNG, TIN CẬY
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ không chỉ đơn thuần là những dòng chữ vô hại trên mạng, mà sau đó sẽ đem đến sự bất an, lo âu, thậm chí là sợ hãi của hàng nghìn người dân đang đối mặt với thiên tai.
TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh bão số 3 đang gây thiệt hại nghiêm trọng, hậu quả của tin giả càng trở nên nguy hại hơn, “dễ gây tổn thương” hơn cho cả nhân vật lẫn người tiếp nhận.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên: Người dùng cần tỉnh táo, tham khảo các nguồn thông tin chính thống và tin cậy. Trong trường hợp nghi ngờ, cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để xác minh; đồng thời ngăn chặn từ xa sự lan truyền của tin giả, tin lừa đảo.
Trong khi đó, liên quan đến hình thức giả mạo để trục lợi từ thiện, Bộ Công an khuyến cáo: Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.
“Hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo”, Bộ Công an lưu ý.
Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Bên cạnh đó, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.
Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, bảo đảm sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Cụ thể, hiện nay, người dân có thể quyên góp, ủng hộ cho người dân bị thiệt hại bởi bão lũ bằng những cách sau:
Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước
- Tài khoản tại Kho bạc nhà nước
+ Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
+ Số tài khoản: 3713.0.1058784.00000
+ Mã đơn vị QHNS: 1058784
+ Tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước
Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng
- Tài khoản tiền Việt Nam
+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương
+ Số tài khoản: 001.1.00.193241.8
+ Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
- Tài khoản ngoại tệ
+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương
+ Số tài khoản: 001.1.37.193253.8
+ Tại sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
Quyên góp, ủng hộ tiền mặt
Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phòng 109 và 111 nhà B, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Quyên góp, ủng hộ bằng hiện vật
Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ bằng hàng (chưa sử dụng) thì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ các cấp để phân bổ và chuyển trực tiếp các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ ủng hộ trực tiếp qua chương trình vận động quyên góp của từng địa phương.