Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II tiếp tục xây hoài bão lớn cho thiếu nhi

Từ ngày 27-29/9, Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2023, Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ I đã được Văn phòng Quốc hội lựa chọn là một trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu trong năm của Quốc hội, đồng thời được Trung ương Đoàn bình chọn là một trong 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023.

Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ I đã được Văn phòng Quốc hội lựa chọn là một trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu trong năm của Quốc hội. (Nguồn: Plan International Việt Nam)

Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ I đã được Văn phòng Quốc hội lựa chọn là một trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu trong năm của Quốc hội. (Nguồn: Plan International Việt Nam)

Nối tiếp thành công đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II.

Phiên họp được tổ chức với sự hỗ trợ đồng hành của Plan International Việt Nam – một trong những tổ chức tích cực đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Được tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình.

Đồng thời, đây cũng là tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Hai chủ đề của Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” năm nay là "Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường".

Hai chủ đề này được lựa chọn từ 6 nhóm vấn đề do các trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố gửi về, sau đó được tập hợp, lấy ý kiến sau hai tháng với 300.000 góp ý. Đây cũng là những chủ đề được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ quan tâm cũng như đã, đang theo dõi, bàn luận.

Chia sẻ về sự kiện, em Nguyễn Thủy Tiên – Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Em nhận thấy, đối với trẻ em tỉnh Quảng Trị nói riêng và trẻ em cả nước nói chung, hai chủ đề của phiên họp giả định lần này cũng là hai vấn đề rất cấp bách, rất phổ biến thường thấy trong đời sống của trẻ em".

Em Thào Mí Phềnh – đại biểu tới từ trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, cũng bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được thay mặt cho trẻ em ở tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến vào hai chủ đề chính của phiên họp giả định năm nay.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em-lan-thu-ii-tiep-tuc-xay-hoai-bao-lon-cho-thieu-nhi-287563.html
Zalo