Phía sau một giải đấu bóng bàn khu vực

Lần đầu giành HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á kể từ năm 2016 là tín hiệu đáng chú ý nhưng phía sau đó vẫn có sự e ngại nhất định về khả năng 'săn' vàng ở SEA Games của bóng bàn Việt Nam.

Hoàn thành mục tiêu

Hiếm khi đội tuyển bóng bàn Việt Nam chuẩn bị cho một giải đấu như giải vô địch Đông Nam Á lại chỉ có khoảng 1 tuần tập trung rồi lên đường thi đấu. Nhưng lần này, để chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á 2024, đội tuyển đã thực hiện theo phương án này với mục tiêu giành tối thiểu 1 HCV, như chia sẻ với báo giới của HLV Đoàn Kiến Quốc. Đây cũng là mục tiêu vừa tầm khi ở 4 kỳ SEA Games gần đây, bóng bàn Việt Nam đều giành 1 HCV. Đáng chú ý, cả 4 HCV này ở 4 nội dung khác nhau từ đồng đội nam năm 2017 đến đôi nam (năm 2019), đơn nam (năm 2022) và đôi nam - nữ (năm 2023).

Tay vợt Nguyễn Anh Tú thi đấu tại giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024. Ảnh: SportTV

Tay vợt Nguyễn Anh Tú thi đấu tại giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024. Ảnh: SportTV

Mục tiêu đó của bóng bàn Việt Nam càng trở nên dễ hiện thực hóa khi giải đấu này vắng mặt 2 tay vợt hàng đầu nữ của Thái Lan (Paranang, Sawettabut) và 2 tay vợt hàng đầu nam của Singapore (Quek Izaac, Pang Koen) - những tay vợt hàng đầu khu vực Đông Nam Á đang dự giải chuyên nghiệp quốc tế Fukuoka tại Nhật Bản. Và kể cả khi hai đội nam, nữ đều không thể vượt qua vòng bảng nội dung đồng đội nam, nữ thì các tay vợt Việt Nam vẫn vào đến 4 trận chung kết của giải đấu (đơn nam, đơn nữ, đôi nữ, đôi nam).

Dù vậy, trong cả 4 trận chung kết này, chỉ có Nguyễn Khoa Diệu Khánh giành chiến thắng để giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu HCV. Trong khi đó, Nguyễn Anh Tú tạo nên cuộc so kè ngoạn mục với tay vợt người Malaysia Javen Choong nhưng rồi vẫn thua đáng tiếc 3-4. Ở những trận thua ở hai trận chung kết còn lại, thất bại của Mai Hoàng Mỹ Trang - Nguyễn Thị Nga (đôi nữ) hay Đức Tuân - Tuấn Anh (đôi nam) cũng được xem là phản ánh đúng cục diện.

Rõ ràng, với một giải đấu vừa tầm, việc bóng bàn Việt Nam giành đủ cả HCV, HCB, HCĐ tại giải Đông Nam Á và đáng chú ý hơn là cả 10 tuyển thủ tham gia đều giành huy chương cũng là niềm vui chung cho đội tuyển. Việc có một tuyển thủ nữ đăng quang ngôi vô địch khu vực ở nội dung đơn nữ cũng được xem là điểm nhấn khác của đội tuyển.

Tất nhiên, điều này không bảo đảm về khả năng giành vé vào chung kết nội dung đơn nữ ở SEA Games tới tại Thái Lan của Diệu Khánh khi lúc đó các tay vợt mạnh nhất của Thái Lan đều góp mặt. Tuy vậy, điều này cũng mang đến tín hiệu lạc quan từ việc đầu tư cho các tay vợt nữ của bóng bàn Việt Nam trong thời gian qua.

Vẫn có sự e ngại

Khi bóng bàn Việt Nam hoàn thành mục tiêu tại giải vô địch Đông Nam Á vừa qua cũng là lúc bóng bàn Malaysia tạo nên cột mốc lịch sử khi tham dự Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á, như chính HLV đội này là Beh Lee Wei thừa nhận, với việc lần đầu giành tới 5 HCV. Đó là điều đáng chú ý với bóng bàn Việt Nam khi bản đồ bóng bàn khu vực Đông Nam Á giờ không chỉ còn là cuộc đua tranh ngôi vô địch giữa các tay vợt Thái Lan, Singapore, Việt Nam mà giờ đây, Malaysia đã thực sự là đối thủ cạnh tranh gắt gao với bóng bàn Việt Nam.

Với sự đầu tư xuyên suốt, liên tục trong vài năm qua, từ việc đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc đến việc tạo điều kiện đưa VĐV đi thi đấu quốc tế đã mang đến một diện mạo mới cho bóng bàn Malaysia. Thành tích 5 HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á ở giải năm nay thậm chí còn không ấn tượng bằng tấm HCĐ đôi nam của cặp Javen Choong - Qi Shen ở Giải vô địch bóng bàn châu Á 2024 cách đây hơn một tháng. Khi đó, để lọt vào bán kết, cặp Javen Choong - Qi Shen đã tạo cơn địa chấn bằng việc loại ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch nội dung này là Lin Shidong - Lin Gaoyuan với tỷ số 3-2.

Chiến thắng lịch sử đồng thời cũng mang về tấm huy chương lịch sử ấy cho bóng bàn Malaysia đã giúp Javen Choong - Qi Shen tự tin đến với giải vô địch Đông Nam Á 2024 với tâm thế ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch. Việc bộ đôi này vượt qua cặp Đức Tuân - Tuấn Anh (Việt Nam) với tỷ số 3-0 trong trận chung kết đôi nam ở giải vô địch Đông Nam Á 2024 thực sự là điều bình thường, không còn gây bất ngờ cho giới chuyên môn.

Ngay như Javen Choong, tay vợt cũng giành chức vô địch đơn nam sau chiến thắng trước Nguyễn Anh Tú cũng không tự nhiên vươn lên nhanh như vậy. Chỉ trong năm 2024, so với Nguyễn Anh Tú chỉ dự một giải chuyên nghiệp thế giới ở Kazakhstan bằng kinh phí tài trợ hoàn toàn từ một doanh nghiệp là VietED, thì Javen Choong được dự 4 giải quốc tế ở Kazakhstan, Trung Quốc, giải vô địch đồng đội thế giới, giải vô địch châu Á. Ở những giải đấu này, việc được va chạm với hàng loạt tay vợt quốc tế đã tiếp thêm kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc để tay vợt này dễ dàng khẳng định mình ở sân chơi khu vực, nhất là khi vắng 2 tay vợt hàng đầu của Singapore ở giải này.

Còn với Nguyễn Anh Tú và nhiều tay vợt hàng đầu khác, vấn đề thi đấu quốc tế vẫn sẽ là câu chuyện nan giải, hạn chế sự phát triển chuyên môn. Ngay trước giải Đông Nam Á lần này, trong khi 5 đội khác ở Đông Nam Á dự giải vô địch châu Á 2024 tại Kazakhstan thì bóng bàn Việt Nam lại ngoài cuộc do thiếu kinh phí thi đấu quốc tế (ước tính khoảng 20.000 USD cho chuyến thi đấu này).

Cho nên, nếu không giải được bài toán thi đấu quốc tế liên tục thì bóng bàn Việt Nam sẽ còn gặp nhiều trở ngại ngay trong việc khẳng định mình tại sân chơi khu vực Đông Nam Á. Ngay câu chuyện vô địch ở những SEA Games gần đây ở các nội dung khác nhau mà không có nội dung nào bảo vệ được ngôi vô địch cũng cho thấy vấn đề nhất định của bóng bàn Việt Nam ở sân chơi khu vực.

Đó là chuyện gần, còn nhìn xa hơn, câu chuyện các tay vợt hàng đầu của Thái Lan, Singapore không dự giải Đông Nam Á 2024 mà góp mặt ở giải đấu trong hệ thống thi đấu bóng bàn chuyên nghiệp thế giới tại Nhật Bản trong cùng thời gian cũng cho thấy đã có sự vượt trội nhất định về tầm vóc của bóng bàn những nước này với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thế để thấy, bóng bàn Việt Nam muốn khẳng định vị thế, giành ít nhất 1 HCV ở ngay SEA Games tới cũng không đơn giản.

Dấu ấn của cựu chuyên gia đội tuyển Việt Nam Dư Chí Quốc

Tại giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024 vừa qua, trong thành phần đội tuyển bóng bàn Malaysia có chuyên gia Trung Quốc Dư Chí Quốc, người từng gắn bó với bóng bàn Việt Nam trong khoảng 5 năm ở các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Chuyên gia Dư Chí Quốc tới làm việc tại đội tuyển quốc gia Malaysia từ đầu năm nay và lập tức đặt ngay dấu ấn. Chắc chắn đây cũng sẽ là thách thức cho bóng bàn Việt Nam khi chuyên gia này quá hiểu khả năng của các tay vợt Việt Nam hiện nay và cũng được đánh giá cao về chuyên môn.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/phia-sau-mot-giai-dau-bong-ban-khu-vuc--i751618/
Zalo