Phía sau làn sóng phản đối khách du lịch đang gia tăng tại nhiều quốc gia

Biểu tình trên đường phố và các dòng chữ phun sơn cảnh báo khách du lịch hãy về nhà. Có vẻ như đây là năm mà ngành du lịch trở nên tồi tệ và cộng đồng địa phương bắt đầu phản kháng.

Làn sóng phản đối toàn cầu

Thành phố Venice bắt đầu thu phí vào cửa đối với những khách du lịch trong ngày, và một thị trấn đông đúc ở Thụy Sĩ cũng đã tuyên bố làm theo. Những người dân địa phương tại Mallorca và Barcelona thậm chí đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối du lịch.

 Tình trạng quá tải du lịch trong cùng một địa điểm như đảo Santorini trở thành "địa ngục trần gian". (Ảnh: Getty Images)

Tình trạng quá tải du lịch trong cùng một địa điểm như đảo Santorini trở thành "địa ngục trần gian". (Ảnh: Getty Images)

Đây là một hiện tượng toàn cầu, không chỉ ở châu Âu. Tại một thị trấn ở Nhật Bản nhìn ra núi Phú Sĩ, các rào chắn tầm nhìn đã được dung lên vào tháng 5 (sau đó dỡ bỏ vào tháng 8). Bali đã áp dụng thuế vào cửa đối với du khách vào tháng 2. Hay các vườn quốc gia tại Mỹ đã bị quá tải khi có tới 13 triệu khách tham quan vào năm 2023, theo số liệu của NPS. Đặc biệt vào mùa cao điểm, du khách phải đặt trước vé.

Dường như, sự yêu thích không ngang bằng với sự tôn trọng dành cho cảnh quan. Vào tháng 1 năm 2019, trong thời gian nhiều cơ quan chính quyền Mỹ đóng cửa 35 ngày do cuộc khủng hoảng ngân sách liên bang, Vườn quốc gia Joshua Tree vẫn mở cửa cho du khách tham quan.

Việc quản lý lỏng lẻo đã khiến vườn phải chịu sự phá hoại nặng nề từ những du khách thiếu ý thức. Một trong những người giám sát nơi này cho biết công viên có thể mất 200 đến 300 năm để phục hồi sau những thiệt hại đã xảy ra chỉ trong vài tuần.

“Đây không phải là điều gì mới xảy ra”, Noel Josephides, chủ tịch của công ty lữ hành châu Âu Sunvil cho biết, tình trạng hỗn loạn hiện tại đã được dự đoán từ nhiều năm trước. Ông nói rằng ông cảm thấy “xấu hổ” về những gì xảy ra.

“Tôi đã mất niềm tin vào mục tiêu kinh doanh”, ông nói về sự tàn phá mà ngành du lịch ở châu Âu.

Và hiện tại, câu hỏi duy nhất là liệu chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này và thiết lập lại để du lịch trở thành những trải nghiệm tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều trân trọng hay không.

 Khách du lịch ở Ý đang chen chúc tại một khu vực dù cơ sở hạ tầng tại nơi đây còn thiếu thốn. Ảnh: Getty Images

Khách du lịch ở Ý đang chen chúc tại một khu vực dù cơ sở hạ tầng tại nơi đây còn thiếu thốn. Ảnh: Getty Images

Justin Francis lớn lên tại một trong những thành phố Bath vốn được ghé thăm nhiều nhất Vương quốc Anh. “Tôi nhớ mình đã rất ngạc nhiên trước những người này, và họ ồn ào và hét vào mặt nhau”, ông nói. “Họ đứng xung quanh và chặn đường. Tôi cảm thấy mình như vô hình”.

"Ngành công nghiệp này đã đi đúng hướng ở nhiều nơi, nhưng nhìn chung, nó đã mất đi lòng tin của người dân địa phương. Năm nay thực sự rất tồi tệ", ông nói về các cuộc biểu tình và sự cố du lịch trong một thời gian dài gần đây.

"Ngành du lịch dường như đã quên mất thứ quý giá nhất: thiện chí của người dân địa phương. Mọi thứ sẽ sụp đổ nếu thiếu đi yếu tố đó. Nó đã mất đi ở nhiều nơi và sẽ khó để giành lại được".

Francis nói du lịch ngày càng đông đúc là vì sự kết hợp của nhiều yếu tố: sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, phương tiện truyền thông xã hội (tạo ra sự đổ xô đến các điểm du lịch) và nền kinh tế đang phát triển - nghĩa là nhiều người có khả năng chi trả cho việc đi du lịch hơn.

Và giờ đây, chúng ta cần “nhận thức được rằng ngành du lịch là một ngành công nghiệp hung hăng như các ngành khác, cần được quản lý và kiểm soát".

Khi du lịch mất kiểm soát và quá tải

Phần lớn công việc của Noel Josephides liên quan đến việc tìm kiếm những địa điểm mới mà ông nghĩ công chúng sẽ thích. Công ty của ông là một trong những công ty đầu tiên đưa khách du lịch đến đảo Skiathos ở Hy Lạp vào những năm 1980 hay quần đảo Azores của Bồ Đào Nha.

Ông nói rằng “việc tạo ra” một điểm đến tương đối đơn giản. Các công ty lữ hành sẽ tìm kiếm điểm đến, người dân địa phương sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thường được các công ty hỗ trợ về mặt tài chính.

Nếu hút khách, các công ty lữ hành lớn hơn sẽ “lao vào”.

"Điều này đã xảy ra trong vài năm và hầu như không ai nhận ra. Và đột nhiên địa phương phàn nàn rằng không ai ăn ở nhà hàng, hoặc họ chỉ ăn một món chứ không phải hai, hoặc họ không đi tham quan, Khi đó, bạn sẽ nhận được phản ứng của dân địa phương", ông nói.

Josephides là một cái tên đáng gờm trong ngành du lịch châu Âu, ông cũng là cựu chủ tịch ABTA (Hiệp hội các đại lý du lịch tại Vương Quốc Anh), AITO (Hiệp hội các công ty lữ hành độc lập) và Travel Foundation, tổ chức từ thiện phát triển bền vững của ngành.

Ông tin rằng ngành du lịch nói chung hiện đang "mất kiểm soát" và "rơi xuống đáy" - ngành này đang làm thay đổi cách người dân địa phương cảm nhận về lượng du khách đổ về.

"Tôi không nghĩ mọi người phản đối du lịch, nhưng họ cũng bắt đầu hiểu rằng nó cần phải được kiểm soát", ông nói. "Nếu không mọi thứ có lẽ sẽ kết thúc trong nước mắt".

Josephides cho biết rằng: "Khi bạn đã lấp đầy con ngỗng vàng, bạn sẽ bắt đầu xuống dốc. Rất khó để trở lại vị trí mà bạn đã từng ở trước đây”.

Pedro Fiol, chủ tịch của AVIBA – Hiệp hội các đại lý du lịch của Quần đảo Balearic, quần đảo ngoài bờ biển phía đông của Tây Ban Nha, nơi trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình vào mùa hè này - cho biết “phần lớn” không phản đối khách du lịch. Sân bay đảo Mallorca đón tới 1.000 chuyến bay vào mỗi mùa hè.

Tuy nhiên, Fiol tin rằng các quyết định chính trị không phù hợp và ngành du lịch đã gây nên phần lớn các vấn đề về cơ sở hạ tầng, thiếu phương tiện giao thông công cộng và nhà ở.

Tại quần đảo Balearic của Tây Ban Nha, mọi người không còn ở lại bãi biển nữa mà họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến các thị trấn sâu trong đất liền.

 Đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân địa phương tại Mallorca vào mùa hè này. Ảnh: Reuters

Đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân địa phương tại Mallorca vào mùa hè này. Ảnh: Reuters

Ông cho biết “Một mặt, điều này là tích cực vì chúng tạo ra thu nhập cho thương mại địa phương nhưng mặt khác, chúng có thể làm sụp đổ cơ sở hạ tầng cơ bản vì những thị trấn nhỏ này không thích hợp để đón nhiều khách du lịch như vậy”.

Việc vùng nội địa nông thôn của hòn đảo đang phải vật lộn để đối phó với nhu cầu gia tăng là mối quan tâm của Jeremy Sampson, CEO của Travel Foundation.

"Tôi nghĩ rằng quá tải du lịch không phải là nguyên nhân gốc rễ mà là một 'triệu chứng' - chúng ta đang mất cân bằng", ông nói. "Bạn có thể tiếp đón nhiều người, nhưng chỉ cần một người đến vào thời điểm và địa điểm không phù hợp, nó sẽ vượt quá các nguồn lực sẵn có".

“Phải thay đổi”

Các chuyên gia này cho biết chỗ ở là yếu tố chính trong cách người dân nhìn nhận về du lịch. Francis cho biết: “Khi bạn hỏi người dân địa phương về nỗi thất vọng lớn nhất của họ, chủ yếu là: “Tôi không đủ khả năng để sống ở đây. Cho thuê nhà nghỉ đã khiến người dân không thể thuê lâu dài hay mua nhà”.

Tại thành phố Venice, có hơn 8.000 bất động sản được niêm yết riêng trên nền tảng cho thuê phòng Airbnb, theo dữ liệu từ Inside Airbnb, trong khi chưa đến 50.000 cư dân.

Sampson cho biết sự gia tăng của dịch vụ cho thuê ngắn hạn là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề du lịch hiện nay. Ông cho biết: “Tốc độ tăng trưởng từ khu vực tư nhân thường vượt xa các chu kỳ lập kế hoạch, trong khi tốc độ này cần phải phù hợp với thực tế”.

Nói về Mallorca và Balearic, Fiol gọi việc cho thuê nhà ngắn hạn là "một vấn đề rất nghiêm trọng, gây ra sự gia tăng không thể đoán trước về số lượng du khách... chúng tôi đang có lượng khách du lịch không cân xứng ở một số khu vực trên lãnh thổ của mình".

Liệu chúng ta có thể cứu ngành du lịch không? Vậy giải pháp là gì?

Josephides cho rằng bất kỳ thay đổi nào cũng phải ở chính quyền. “Phải có sự hợp tác giữa các quốc gia - quyền lực không nên nằm trong tay ngành công nghiệp”, ông nói. “Các hãng hàng không sẽ tiếp tục mở rộng và mở rộng vì đó là điều mà các cổ đông của họ mong đợi. Bạn sẽ không bao giờ có thể khiến một công ty lữ hành lớn đồng ý hoãn lại số lượng".

“Mười năm nữa, sẽ có những địa điểm làm đúng và những nơi không thể quay lại”, Josephides đưa ra cảnh báo.

Sampson cho biết các DMO (tổ chức tiếp thị điểm đến) nên chuyển từ khuyến khích du lịch sang “cân bằng” du lịch. Ông cho rằng việc chuyển từ du lịch “ăn xổi” hàng ngày sang lập kế hoạch dài hạn sẽ thay đổi tình hình.

Fiol cho rằng hãy tăng cường các hoạt động du lịch mùa thấp điểm, như mùa đông. Đó có thể là thời điểm mà du lịch sẽ tập trung vào ẩm thực, văn hóa, sức khỏe và "vô số hoạt động chắc chắn sẽ khiến họ ngạc nhiên".

Francis thì chia sẻ rằng hãy ở khách sạn thay vì nhà cho thuê để tránh mất nhà ở của người dân địa phương. Hãy biến nó thành khách sạn do người dân sở hữu để tiền của bạn được giữ lại trong cộng đồng.

Và khi bạn đã đến nơi, hãy thuê hướng dẫn viên người địa phương - họ không chỉ có thể giúp bạn tránh tình trạng quá tải mà còn giúp bạn tiết kiệm tiền.

Francis cho rằng "du lịch là một thỏa thuận. Người dân địa phương đón bạn vào, đổi lại bạn sẽ cung cấp một số lợi ích, vì vậy, bạn nên đầu tư vào địa phương. Bạn sẽ có được những trải nghiệm đặc biệt”.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phia-sau-lan-song-phan-doi-khach-du-lich-dang-gia-tang-tai-nhieu-quoc-gia-post309217.html
Zalo