'Phi chính trị hóa' quân đội - thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch

'Từ góc độ thực tiễn cho thấy, từ trước đến nay không có quân đội của quốc gia nào 'trung lập về chính trị' hay 'đứng ngoài chính trị'; bởi đây là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ thể chế chính trị của lực lượng chính trị thắng thế cầm quyền duy trì'.

Tại Hội thảo khoa học “80 năm xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị - Thành tựu và kinh nghiệm” tổ chức ngày 27/11 ở Hà Nội, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã có tham luận nhan đề:"Phi chính trị hóa" quân đội - Thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch". VOV xin lược trích những nội dung chính của bài viết này:

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi thấy rằng, phương thức chống phá chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp gây chiến tranh xâm lược không hiệu quả, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình". Một trong các thủ đoạn mà họ sử dụng là hô hào "phi chính trị hóa" quân đội, với mục đích tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội là công cụ bạo lực của Đảng, của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn này được họ áp dụng thành công ở Liên Xô, Đông Âu trước đây và hy vọng sẽ thành công ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.

Đối với nước ta, từ nhận định rằng, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chắc quân đội, nên chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, chưa thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, nên các thế lực thù địch ráo riết kêu gọi phải "phi chính trị hóa" quân đội. Họ tính toán rằng, một khi Quân đội nhân dân Việt Nam đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu đó, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động và mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đố Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo đúng kịch bản "không đánh mà thắng"(1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). (Ảnh: TTXVN)

Năm 2013, lợi dụng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức xin ý kiến nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các thế lực chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, xem đây là thời cơ để công khai đòi "phi chính trị hóa" quân đội. Họ đưa ra nhiều luận điểm, như: "Quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị", "Quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không cần trung thành với bất kỳ tổ chức nào", mà áp dụng cụ thể vào Việt Nam là "không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam",...

Để thực hiện mưu đồ "phi chính trị hóa" quân đội, các thế lực thù địch sử dụng mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng lẫn hành động thực tiễn. Trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, họ thường lập luận rằng: quân đội là của nhà nước, nên chỉ phục tùng nhà nước, chứ không phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào; hoặc hoạt động của quân đội chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân, nên chỉ phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào.

Trong hành động thực tiễn, những người cổ xúy cho mưu đồ "phi chính trị hóa" quân đội yêu cầu: một khi có biến động chính trị, thì quân đội hãy án binh bất động, không đứng về phe nào. Đối với những nước đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo như nước ta, họ đòi xóa bỏ nguyên tắc "Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội"; hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (nhất là chế độ chính ủy, chính trị viên) trong quân đội - một trong những yếu tố riêng có của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm đảm bảo cho Đảng Cộng sản giữ vững sự lãnh đạo đối với quân đội.

Họ xuyên tạc các sự kiện chính trị trong lịch sử có quân đội tham gia; thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong quá trình làm nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh, anh hùng Quân đội... hòng qua đây, làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội, từ đó mà vô hiệu hóa vai trò của quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.

"Phi chính trị hóa" quân đội - Thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch

"Phi chính trị hóa" quân đội - Thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch

Để thực hiện mục tiêu nhất quán là xóa bỏ thành quả cách mạng và lái con đường phát triển của Việt Nam sang quý đạo tư bản chủ nghĩa trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh các chiến dịch vận động đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và logic tất yếu của tiến trình đó, nếu được thực hiện, sẽ là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Họ công khai đòi bỏ quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; "bỏ quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam" đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mục tiêu hướng tới của những thủ đoạn nói trên là thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ quân đội, làm cho Quân đội ta xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dẫn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ góc độ thực tiễn cho thấy, từ trước đến nay không có quân đội của quốc gia nào "trung lập về chính trị" hay "đứng ngoài chính trị"; bởi đây là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ thể chế chính trị của lực lượng chính trị thắng thế cầm quyền duy trì. Không khó để nhận thấy sự tham chính của quân đội nhiều nước, khi người ta vẫn chứng kiến các vụ đảo chính quân sự ở nước này, nước khác, nhất là ở châu Á, châu Phi trong những năm gần đây. Ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, quân đội không chỉ được dùng vào nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc, mà còn được dùng vào các hoạt động xâm lược, lật đổ, can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền khác, nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên ở đây các chính phủ thân phương Tây; thực chất là để phục vụ đường lối đối nội và đối ngoại của các đảng chính trị cầm quyền, mà suy cho cùng là phục vụ lợi ích của các thế lực tư bản độc quyền đứng đằng sau các chính phủ đương nhiệm.

Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta là một bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó. Nhờ chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, mà trước hết là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mọi giai đoạn cách mạng, xứng đáng với lời tuyên dương của Bác: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"(2).

(1) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1979, tr.136.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.350.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phi-chinh-tri-hoa-quan-doi-thu-doan-tham-doc-xuyen-suot-cua-cac-the-luc-thu-dich-post1138894.vov
Zalo