Phép thử đối với các tổ chức quốc tế

Các hiệp định thương mại quốc tế trở nên không mấy quan trọng khi các quốc gia hùng mạnh sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế.

Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang tin “The Strategist” (Australia) mới đây đăng bài viết cho rằng việc sử dụng các biện pháp kinh tế ngày càng tăng là dấu hiệu của một thế giới đầy thách thức, khi vừa phải vật lộn để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi không còn bị ràng buộc bởi các thể chế được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Những lời đe dọa về thuế quan trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự tiếp nối của xu hướng này. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để làm chậm sự lan rộng của công nghệ Mỹ sang Trung Quốc.

Phương Tây phối hợp các biện pháp trừng phạt đối với Nga do cuộc xung đột với Ukraine, bao gồm cả việc thu giữ dự trữ ngoại hối của nước này. Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng các biện pháp tẩy chay và trừng phạt theo quy định đối với một số doanh nghiệp nước ngoài.

Công ty luật Gibson Dunn của Mỹ, chuyên theo dõi việc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế, cho biết chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi “việc sử dụng các công cụ thương mại quốc tế một cách tích cực và sâu rộng nhất so với bất kỳ chính quyền Mỹ nào trong lịch sử”. Số lượng các cá nhân bị chỉ định theo chế độ trừng phạt kinh tế của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 16.400 trong 4 năm qua, với 3.300 cái tên được bổ sung vào năm ngoái.
Mỹ đã tăng cường siết chặt tài chính đối với Nga hồi năm ngoái, áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các tổ chức tài chính của các nước thứ ba tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch với quân đội hoặc ngành công nghiệp Nga, ngay cả khi họ không biết gì về hoạt động bị cấm.
Chính quyền ông Biden cũng mở rộng việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hoạt động bán công nghệ sang Trung Quốc, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và thiết bị sản xuất chip. Một diễn biến mới là Mỹ hạn chế đầu tư ra nước ngoài vào các doanh nghiệp công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.
Mới lên nắm quyền ở những ngày đầu, song chính quyền Tổng thống Trump có dấu hiệu tăng cường áp lực kinh tế hơn nữa. Trong ba tuần đầu tiên, họ đưa ra lời đe dọa trực tiếp về thuế quan trừng phạt đối với Canada và Mexico, yêu cầu kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn đối với người di cư và fentanyl. Đối với Colombia, Mỹ yêu cầu nước này không được từ chối các chuyến bay trục xuất quân sự. Canada, Mexico và Colombia đều phải thực hiện nhiều động thái để xoa dịu Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa nêu rõ chính sách của mình đối với Nga. Tuy nhiên, ông Trump đã đe dọa sẽ áp dụng “các loại thuế, thuế quan và lệnh trừng phạt nghiêm ngặt” nếu nước này từ chối đàm phán về Ukraine.
Chính quyền ông Trump cũng đã khôi phục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những tổ chức nước ngoài hỗ trợ thương mại của Iran. Ông Trump đã hủy bỏ một thỏa thuận do Vatican đàm phán, theo đó Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Cuba.
Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng. Tháng 12/2024, nước này đã cấm xuất khẩu germanium và gallium (được sử dụng làm vi mạch) và antimon (được sử dụng làm đạn dược) sang Mỹ. Trong tháng này, họ đã bổ sung yêu cầu chính phủ phê duyệt việc xuất khẩu 5 kim loại nữa, bao gồm cả vonfram.
Trung Quốc cũng đang hạn chế xuất khẩu công nghệ chế biến khoáng sản quan trọng, điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà máy chế biến đất hiếm và lithium đã được lên kế hoạch ở Australia.
Theo nhà sử học Nicholas Mulder, các biện pháp trừng phạt đã được sử dụng nhiều gấp đôi trong những năm 1990-2000 so với giai đoạn 1950-1985. Việc sử dụng chúng tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2010 và có thể đã tăng hơn gấp đôi một lần nữa kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các hiệp định thương mại quốc tế trở nên không mấy quan trọng khi các quốc gia hùng mạnh sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế. Mức thuế mới nhất của Mỹ đối với nhôm và thép nhập khẩu được chứng minh là hợp lý vì lý do an ninh quốc gia, bỏ qua cả thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada cũng như các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trung Quốc khiếu nại lên WTO về thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã đóng cửa hội đồng kháng cáo của tổ chức một cách hiệu quả khi các Tổng thống, bắt đầu từ ông Barack Obama, từ chối phê chuẩn thành viên mới.

Trong chính quyền đầu tiên của ông Trump, luật đã được soạn thảo để Mỹ rút khỏi WTO. Giờ đây, một mệnh lệnh hành pháp nhằm đánh giá sự tham gia của Mỹ trong tất cả các tổ chức đa phương có thể sẽ xác nhận việc Mỹ rút lui. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã bày tỏ lo ngại rằng việc xem xét lại cũng có thể khiến Mỹ rút khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Các tổ chức này và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại - tiền thân của WTO - được thành lập vào năm 1944 để ngăn chặn sự đổ vỡ trong quan hệ kinh tế quốc tế vốn tạo điều kiện cho Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, 70 năm trôi qua, chúng dường như không đủ khả năng để ngăn chặn sự gia tăng trong đối đầu kinh tế.

Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phep-thu-doi-voi-cac-to-chuc-quoc-te/363453.html
Zalo