Phát triển xã hội số để nâng cao chất lượng sống cho người dân

Trong thời đại bùng nổ mạnh mẽ về công nghệ thông tin, Internet trở thành công cụ hữu hiệu cho sự phát triển, từ khu vực thành thị cho tới miền núi cao. Internet được phổ cập giúp người dân truy cập mọi lúc, mọi nơi, phục vụ cho công việc, phát triển kinh tế, xem tin tức, học tập trực tuyến, thanh toán từ xa... Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và xây dựng một xã hội số hiện đại là mục tiêu mà tỉnh Sơn La đang nỗ lực hướng tới để bắt nhịp xu hướng này.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng đến từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng trên điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống. Ảnh: Cẩm Linh

Tổ chuyển đổi số cộng đồng đến từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng trên điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống. Ảnh: Cẩm Linh

Chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của cuộc sống, từ người già đến người trẻ, từ cách làm việc, học tập, kết nối và giải trí. Đối với người cao tuổi, chuyển đổi số mang lại cơ hội tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe và giao tiếp dễ dàng thông qua các nền tảng công nghệ. Còn thế hệ trẻ sớm đã trở thành công dân số tận dụng các công cụ để học hỏi, sáng tạo và phát triển kỹ năng mới ứng dụng vào cuộc sống. Công dân số được xem là nền tảng để phát triển xã hội số, đồng thời, quyết định sự thành công của chuyển đổi số cả 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi "từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ số của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Hoạt động của các Tổ chuyển đổi số ở các xã, phường đã góp phần đưa công nghệ thông tin đến gần hơn với cư dân. Lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên, quản lý Tổ dân số là những thành viên chính của Tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng là lực lượng tiên phong sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ số, qua đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Để thích ứng với sự chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Cùng với đó, nâng cấp, đầu tư hạ tầng số, giúp người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong thực hiện thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác.

Em Bùi Minh Sơn, học sinh thành phố Sơn La chia sẻ: "Hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) phát triển đã tạo ra một làn sóng mới mẻ, một bước tiến về công nghệ. Al đã giúp ích em rất nhiều như tra cứu các thông tin về bài tập, giải các bài toán khó, giúp bản thân có lộ trình học tốt, phương pháp học mới mẻ hơn".

Còn chị Lò Thị Mai Phương, Phó Bí thư Đoàn phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La chia sẻ: "Với vai trò là đội ngũ tiên phong trong công tác chuyển đổi số của đoàn viên thanh niên, thời gian qua, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, chúng tôi tuyên truyền cho bà con nhân dân về chuyển đổi số như sử dụng các phần mềm trên điện thoại thông minh, cài đặt các ứng dụng VNeID, giúp người dân biết sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số như bán hàng, mua hàng, thanh toán hóa đơn trên điện thoại và giải quyết thủ tục hành chính trên app. Qua đó, góp phần tuyên truyền đến bà con và đoàn viên, thanh niên nâng cao năng lực số".

Đến nay, tỉnh Sơn La đã thành lập được hơn 2.400 Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 15.000 thành viên tham gia, thông qua các hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã đưa các chủ trương, chính sách pháp luật về chuyển đổi số một cách nhanh hơn, dễ hiểu hơn đến với người dân. Người dân có thể tự cài đặt, sử dụng thành thạo các nền tảng số, công nghệ số, hình thành kỹ năng số cho mỗi công dân, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ số trên địa bàn.

Với dịch vụ hành chính công trực tuyến thì cá nhân có thể đăng ký mọi lúc, mọi nơi, rất thuận tiện cho người dân. Ảnh: Cẩm Linh

Với dịch vụ hành chính công trực tuyến thì cá nhân có thể đăng ký mọi lúc, mọi nơi, rất thuận tiện cho người dân. Ảnh: Cẩm Linh

Theo đánh giá kết quả phát triển hạ tầng số, đến nay, Sơn La đã có 100% xã có hạ tầng băng rộng cáp quang mạng thông tin di động 4G, tỷ lệ các bản được phủ sóng mạng di động, sóng băng rộng 4G đạt tỷ lệ 96,26%; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,15%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng băng rộng cáp quang đạt 47,27%; tỷ lệ người dân sử dụng Internet toàn tỉnh là 60,04%. Đặc biệt, tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số, đảm bảo an toàn, hiệu quả đúng pháp luật, qua đó, thúc đẩy công dân số phát triển và khai thác tốt cơ sở từ dữ liệu số, hạ tầng số, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ tuyên truyền về chuyển đổi số, đến nay, nhận thức, hiểu biết của người dân về công nghệ số đã được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, sự thụ hưởng của người dân về các nền tảng số cũng được nâng cao.

Trong xây dựng và phát triển xã hội số, tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh, hoàn thành kết nối với các dữ liệu chuyên ngành quốc gia. Nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng được cơ quan, ban, ngành quan tâm đầu tư xây dựng, thực hiện triển khai phục vụ phát triển công dân số, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả trong công nghệ cốt lõi, quản lý điều hành để phát triển chính quyền số. Đặc biệt, Sơn La cũng quyết liệt triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp, để dịch vụ công trực tuyến trở thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi số và triển khai các sáng kiến liên kết giữa các ngành và lĩnh vực để tạo ra các phát triển đột phá về công nghệ.

Các nhóm tiện ích về phát triển xã hội số cũng được đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông. 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập đã có thiết bị, phần mềm kết nối, máy đọc Al để thực hiện công tác khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay, đã cấp 100% số định danh cá nhân cho 1 triệu thẻ căn cước công dân được gắn chíp, tổ chức hướng dẫn cho bà con kích hoạt được 60.480 số tài khoản định danh điện tử, đẩy mạnh triển khai dịch vụ thuế điện tử, học bạ số trên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chính thức triển khai thí điểm lý lịch tư pháp qua VneID, triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Có thể thấy, phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh Sơn La không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực, thúc đẩy sự đổi mới và sự tiến bộ toàn diện. Việc xây dựng xã hội số không chỉ là nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần tích cực hỗ trợ các lĩnh vực cho xã hội phát triển. Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng phát triển xã hội số, công dân số ngày một tốt hơn, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-xa-hoi-so-de-nang-cao-chat-luong-song-cho-nguoi-dan-post489623.html
Zalo