Phát triển toàn diện hệ thống du lịch Thủ đô

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 1779/UBND-KT nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Thành phố.

Đây được xem là bước đi quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế hai con số của Thủ đô.

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trọng tâm là nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá.

Sở Du lịch được giao vai trò chủ trì, triển khai hiệu quả các kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu ngành, xây dựng bản đồ số và duy trì hệ thống dữ liệu du lịch. Các hoạt động quảng bá điểm đến Hà Nội trên truyền hình, truyền thông quốc tế cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Sở Tài chính phối hợp đề xuất kế hoạch đầu tư công năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, đồng thời lập danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Sở cũng sẽ tham mưu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia.

Về quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các khu vực trọng điểm như: khu du lịch Ba Vì, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, khu du lịch Hương Sơn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy hoạch tổ hợp lưu trú cao cấp tại các vị trí trung tâm, có hạ tầng giao thông thuận lợi.

Phát triển đồng bộ không gian, dịch vụ và sản phẩm du lịch

Sở Xây dựng tiếp tục triển khai chương trình cải tạo công viên, vườn hoa theo định hướng không gian mở, trong đó có ba công viên trọng điểm: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ. Sở cũng tham mưu thu hút đầu tư bến cảng du lịch và phát triển xe buýt điện, đồng thời phối hợp xây dựng 9 tuyến phố đi bộ kết hợp phố ẩm thực đặc sắc tại các quận, huyện.

Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh tích hợp các dự án du lịch vào kế hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu rừng, phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp thí điểm mô hình Khu phát triển thương mại - văn hóa, trung tâm công nghiệp văn hóa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tu bổ di tích, công trình lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Trong lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương sẽ triển khai xây dựng trung tâm thiết kế, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề và một khu Outlet tại phía Bắc Hà Nội trong năm 2025.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu ưu tiên ngân sách cho phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn di tích và triển khai các đề án trọng điểm như: bảo tồn khu vực Hồ Tây, làng cổ Đường Lâm, phát triển làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc gắn với du lịch.

Tổng Công ty Du lịch được giao quản lý chặt chẽ các cơ sở du lịch có giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư cải tạo, xây dựng mới các điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Việc Hà Nội quyết liệt triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch cho thấy tầm nhìn chiến lược, hướng tới hình thành một hệ sinh thái du lịch hiện đại, đồng bộ, góp phần đưa Thủ đô trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Hà Nội xác định rõ mục tiêu đến năm 2045 trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đặc sắc và năng lực cạnh tranh quốc tế. Việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch lần này chính là bước khởi đầu mang tính chiến lược, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp và hiện đại.

Hồng Hạnh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-toan-dien-he-thong-du-lich-thu-do-d279761.html
Zalo