Phát triển tiêu chí sản xuất ở các xã nông thôn mới miền núi

Không có nhiều điều kiện thuận lợi như ở đồng bằng, nhưng nhiều xã miền núi lại khơi dậy được một số tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Ở nhiều xã, việc thực hiện tiêu chí 'Sản xuất' còn trở thành điểm nhấn trong lộ trình XDNTM.

Mô hình chăn nuôi bò ở xã Mường Chanh được các tổ chức, lực lượng liên quan đồng hành hỗ trợ.

Mô hình chăn nuôi bò ở xã Mường Chanh được các tổ chức, lực lượng liên quan đồng hành hỗ trợ.

Thuộc vùng biên giới đặc biệt khó khăn, Mường Chanh là xã duy nhất của huyện Mường Lát đạt chuẩn NTM đến thời điểm này. Cách trung tâm huyện Mường Lát hơn 30km với tầng tầng lớp lớp núi đồi, rừng cây cách trở, nhưng chính quyền và người dân địa phương đang biến những bất lợi ấy thành môi trường phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Với hơn 6.000ha rừng, trong đó có gần 3.500ha rừng sản xuất, người dân địa phương đã biết trồng luồng, các loại gỗ để cung ứng cho thị trường. Chăn nuôi dưới tán rừng phát triển mạnh, những năm gần đây, xã luôn duy trì hơn 1.200 con trâu bò, hơn 1.300 con lợn và đàn gia cầm hơn 15.000 con... Trong trồng trọt, tuy tổng diện tích hàng năm chỉ hơn 600ha do thiếu quỹ đất, nhưng xã đã biết tích tụ thành những mô hình lớn, duy trì thường xuyên vùng chuyên canh hơn 400ha lúa, 20ha ngô, 40ha các loại rau củ quả như dưa hấu, rau cải, khoai sọ, bí thơm...

Tuy là xã vùng cao, nhưng từ năm 2021, Mường Chanh đã vận động thành lập HTX thương mại và tổng hợp dịch vụ nông lâm nghiệp Mường Lát đóng tại bản Chai nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chỉ với 10 thành viên và vốn điều lệ 500 triệu đồng, nhưng đến nay, HTX đang triển khai các khâu dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật, bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả. Các sản phẩm chủ lực của xã là lúa, ngô, sắn và rau củ quả đã được HTX ký kết hợp đồng liên kết sản xuất. Trên địa bàn xã có sản phẩm đặc trưng là bí thơm, đã được HTX đứng ra tổ chức sản xuất với diện tích 3ha tại bản Chai, được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tháng 11/2022, sản phẩm bí thơm Đồng Sa đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, trở thành sản phẩm nổi tiếng của huyện tham gia các hội trợ trong và ngoài tỉnh, thị trường ngày càng rộng mở.

Từ phát triển tiêu chí sản xuất, đã góp phần đưa thu nhập bình quân của xã xa xôi nhất và khó khăn bậc nhất trong các xã đã đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa này lên gần 46,5 triệu đồng/người/năm. Kinh tế ngày càng phát triển, chính là một trong những điều kiện quan trọng để Mường Chanh được công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2025.

Sản xuất miến dong ở xã nông thôn mới Cẩm Liên (Cẩm Thủy). Ảnh: Lê Đồng

Sản xuất miến dong ở xã nông thôn mới Cẩm Liên (Cẩm Thủy). Ảnh: Lê Đồng

Xã miền núi Cẩm Lương (Cẩm Thủy) nổi tiếng với khu du lịch suối cá thần, chính là yếu tố thuận lợi để địa phương khơi dậy, phát triển kinh tế du lịch và các hoạt động thương mại dịch vụ kèm theo. Cùng với đó, nông nghiệp của xã đang phát triển mạnh để cải thiện và nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Xã đã xác định sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp là lạc, ngô, mía và một số cây lâm nghiệp. Riêng cây lạc, xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với mã số chứng nhận: VietGAP-TT-76/CN-TĐC-38 0324.

Hàng năm, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Cẩm Lương ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm từ cây lạc với Công ty CP Sản xuất kinh doanh Thương mại Phúc Hưng. Đây cũng là HTX đóng vai trò quan trọng trong điều tiết và phát triển sản xuất nông nghiệp của xã với các loại dịch vụ trồng trọt, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu gom rác thải không độc hại, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Từ sự phát triển tiêu chí sản xuất trong lộ trình về đích NTM, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Cẩm Lương đã đạt gần 50 triệu đồng/năm, trong khi đây là xã vùng 2, chỉ quy định mức thu nhập từ 39 triệu đồng/năm trở lên.

Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh có hàng chục xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Cơ bản các xã đã tận dụng được những tiềm năng, lợi thế để xây dựng các mô hình kinh tế, nhất là trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, đưa thu nhập bình quân đầu người của các xã vượt chuẩn quy định cần thiết để đạt chuẩn NTM, như: Thành Tiến (Thạch Thành) đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm; Thành Công (Thạch Thành) hơn 50 triệu đồng/người/năm, Xuân Thái (Như Thanh) hơn 45 triệu đồng/người/năm, Minh Tiến (Ngọc Lặc) hơn 46,5 triệu đồng/người/năm... Ở các xã, lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào gieo trồng, chăn nuôi được triển khai theo hướng thương mại hóa.

Bài và ảnh: Hà Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-tieu-chi-san-xuat-o-cac-xa-nong-thon-moi-mien-nui-249209.htm
Zalo