Tín dụng chính sách đưa đường cho 'Đảng viên đi trước'

Những ngày này khi hoa đào, hoa mơ nở rắng núi rừng Tây Bắc, cũng là 'Tết ấm no, Xuân hạnh phúc' đang tràn ngập khắp các bản làng, thôn quê của cả nước, trong đó có cả những thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên ở Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang). Bởi ở đó, có những đảng viên đi trước, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đã và đang góp phần thay đổi bộ mặt quê hương từ đồng vốn chính sách của Đảng.

Tín dụng chính sách xây dựng thương hiệu OCOP

Từ thủ đô Hà Nội, vượt hàng trăm ki-lô-mét đường rừng núi cheo leo hiểm trở, chúng tôi đến thăm hộ gia đình đảng viên Hà Văn Ngọc, sinh năm 1989, người dân tộc Tày - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên ở Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) khi hoàng hôn đang xuống - đúng vào thời điểm anh và các thành viên trong HTX lùa gia súc, gia cầm về chuồng. Sau một hồi gõ chuông, hàng nghìn con gà đen từ trên đồi vừa bay, vừa chạy ào ào về chuồng rợp cả một không gian.

Cùng với đó, hàng chục con bò vừa nhai lại, vừa đủng đỉnh phe phẩy đuôi cũng xếp hàng đi vào chuồng, mặc cho lũ dê vẫn nhẩn nha ăn cỏ bên bờ rào. Một cảnh tượng trù phú, no đủ hiện lên, xôn xao, quấy đảo cả một góc rừng đang dầm tím thẫm vào hoàng hôn với hàng trăm cây xoài trồng xen kẽ giữa vườn ớt gió, cạnh đó là hàng chục thùng ong xếp ngay ngắn thẳng hàng.

Đảng viên Hà Văn Ngọc - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên đang giới thiệu về sản phầm gà đen OCOP

Đảng viên Hà Văn Ngọc - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên đang giới thiệu về sản phầm gà đen OCOP

Đón chúng tôi, anh Ngọc vồn vã, thao thao kể về hành trình thoát nghèo và làm giàu của mình một cách say mê xen lẫn tự hào. Năm 2017, sau khi học xong ngành học về nông nghiệp, Ngọc trở về quê kiếm việc làm. Lúc đó, gia đình Ngọc là một hộ nghèo trong xã. Thấy cuộc sống gia đình quá vất vả, Ngọc đăng ký chương trình khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, được NHCSXH cho vay 50 triệu để nuôi dê, nuôi ong. Vừa khởi nghiệp được vài năm, sắp thu hoạch kết quả thì dịch bệnh Covid-19 khiến tất cả lao đao. Cũng may lúc đó, công việc nuôi ong trên rừng không bị dịch bệnh làm gián đoạn, Ngọc đã tìm mọi cách xoay sở, đắp đổi để duy trì việc chăn nuôi.

Năm 2022, sau khi trả nợ hết vốn vay lần thứ nhất, Ngọc được NHCSXH cho vay tiếp 100 triệu. Cùng với số tiền vay được, Ngọc đã huy động, vay mượn thêm anh em bạn bè được 100 triệu nữa. Với 200 triệu trong tay, Ngọc bắt đầu mở rộng việc chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, tiếp tục duy trì nuôi dê và ong. Dần dần anh cùng 12 thành viên trong hợp tác xã đã hình thanh mô hình vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Hiện, anh có 5ha đất rừng, trồng 2.500 gốc xoài, xen lẫn với ớt, bồ kết, sắn để nuôi gà. Với khoảng 3.000 con gà đen, trang trại của Ngọc không đủ nguồn cung, vì cứ đến lúc xuất chuồng là có người vào mua tận nơi. Ngay cả cây bồ kết, dù chưa đến vụ thu hoạch, nhưng đã có đơn vị bao tiêu đầu ra.

Tổng toàn bộ trang trại gồm cây trồng và vật nuôi của anh có giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập của 12 thành viên trong HTX mỗi năm đạt khoảng 110 triệu đồng/người. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương tối đa 6 triệu đồng/tháng. Ngọc còn hỗ trợ giúp đỡ vợ chồng Hầu Mỹ Hồ và Tào Thị Bân là người dân tộc Mông ở Cao Bằng, bao ăn ở tại trạng trại. Hồ là bệnh nhân chạy thận, nhưng nhờ có sự cưu mang, tạo công ăn việc làm của Ngọc nên vợ chồng Hồ đã có chỗ dựa để kiếm thêm thu nhập, có tiền chữa bệnh. HTX của Ngọc hiện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm mật ong Ngọc Tuyên và 1 sản phẩm gà đen. Từ một hộ nghèo, Ngọc đã giúp gia đình và các thành viên trong HTX có công ăn việc làm, có thu nhập, không những thoát nghèo còn nâng cao đời sống vật chất cho bà con. Ngọc cũng là thanh niên tiêu biểu của huyện.

“Em có được ngày hôm này đều nhờ từ những đồng vốn đầu tiên của NHCSXH. Không những cho vay vốn, các anh chị cán bộ của NHCSXH còn hỗ trợ, động viên em trong qua trình sản xuất. Thực sự đối với em và các thành viên trong HTX, vốn NHCSXH là điểm tựa, là động lực để vươn lên thoát nghèo”, Ngọc tâm sự.

Trách nhiệm của đảng viên

Với những thành tích đạt được, Hà Văn Ngọc vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là người dân tộc thiểu số, vươn lên thoát nghèo, làm giàu rồi lại được kết nạp Đảng, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, đối với Ngọc, anh còn xác định đó là trách nhiệm. Thấm nhuần phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, anh Ngọc luôn cố gắng để mở lối làm kinh tế cho gia đình cũng như các thành viên trong HTX, đồng thời hỗ trợ cho những người dân làm kinh tế.

Nói về hiệu quả nguồn vốn vay chính sách, Giám đốc NHCSXH huyện Yên Minh Đỗ Văn Hùng cho biết “Là một đảng viên, anh Ngọc xứng đáng là điển hình tiêu biểu của địa phương với ý chí nghị lực và tinh thần trách nhiệm rất cao. NHCSXH coi hộ vay như anh Ngọc không những là nguồn động viên mà còn là niềm tin để chúng tôi gửi gắm giá trị nhân văn, từ đó giúp cho đồng bào các dân tộc miền núi có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Khi đồng vốn được giải ngân hiệu quả, thì chính đó đã đem lại nhưng “quả ngọt” cho hộ nghèo, cũng là lúc NHCSXH làm tròn trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao”.

Chia sẻ thêm về kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Giám đốc Đỗ Văn Hùng cho biết tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua của cấp ủy, chính quyền địa phương phát động và không ngừng nêu cao trách nhiệm trong công tác giảm nghèo và vì người nghèo trên địa bàn, cụ thể đã triển khai phong trào rộng rãi đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn trên địa bàn huyện. Các cấp chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiều số; các chế độ chính sách ưu đãi cho gia đình chính sách và người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tổng số là 725 hộ, trong đó thuộc Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững là 655 hộ, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số là 65 nhà, từ các nguồn vốn chương trình khác là 25 hộ; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các dự án sinh kế cho các hộ gia đình hộ dân tộc thiều số, hộ nghèo trên địa bàn huyện...

Bài và ảnh: Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-dua-duong-cho-dang-vien-di-truoc-160182.html
Zalo