Phát triển thị trường tài chính toàn diện để xây dựng thành công các trung tâm tài chính

Theo chuyên gia, để xây dựng thành công các trung tâm tài chính tại Việt Nam, cần phát triển thị trường tài chính một cách toàn diện, bao gồm cả thị trường vốn, thị trường chứng khoán và các công cụ tài chính phái sinh. Việc tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại sẽ giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước.

TP. Hồ Chí Minh hội tụ đủ các điều kiện hiện tại và tương lai

Bộ Chính trị mới đây đã đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và TTTC khu vực tại TP. Đà Nẵng.

TP. Hồ Chí Minh hội tụ đủ điều kiện hiện tại và tương lai để đáp ứng nhu cầu của TTTC quốc tế. Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh hội tụ đủ điều kiện hiện tại và tương lai để đáp ứng nhu cầu của TTTC quốc tế. Ảnh minh họa

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Giảng viên Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam khẳng định, đây là một bước đi chiến lược, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế toàn cầu.

Trong giai đoạn chuyển giao công nghệ (fintech và blockchain), Việt Nam đang đứng trước một “cơ hội vàng” để biến việc xây dựng TTTC thành hiện thực, tiếp bước phát triển của các nước châu Á phát triển (Singapore, Nhật, Hàn).

Xem xét trường hợp của TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh hội tụ đủ điều kiện hiện tại và tương lai để đáp ứng nhu cầu của TTTC quốc tế. Nhờ điều kiện tự nhiên, TP. Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, 34 đường thủy và đường không.

Tạo “bệ đỡ” để các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường quốc tế

Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, các TTTC sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thông qua việc niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài. Điển hình như trường hợp của Grab Holdings tại TTTC Singapore vào năm 2021, khi công ty đã huy động thành công 4,5 tỷ USD sau thương vụ hợp nhất với SPAC Altimeter Growth. Những câu chuyện thành công như vậy là minh chứng cho tiềm năng phát triển của các TTTC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế toàn cầu và thu hút nguồn vốn lớn.

Trên phương diện giao thương quốc tế, TP. Hồ Chí Minh nằm trên trục giao thông hàng không và hàng hải của vùng Thái Bình Dương và có thể được xem là trung tâm điểm không lưu trong vùng châu Á - Thái Bình Dương... Tất cả đều hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế và tài chính của Thành phố.

Về kinh tế, TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam về kinh tế và tài chính, dẫn đầu đóng góp GDP của cả nước. TP. Hồ Chí Minh cũng là đô thị duy nhất của Việt Nam được đánh giá xếp hạng trong bảng chỉ số TTTC toàn cầu (thứ hạng 105, tăng 3 bậc so với năm 2023 của The Global Financial Centres Index, GFCI 36, của Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc).

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

6 khuyến nghị xây dựng các trung tâm tài chính

Để xây dựng thành công các TTTC tại Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Tuấn Anh lưu ý 6 vấn đề.

Trước hết là việc tăng cường khung pháp lý để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhà đầu tư. Điều này là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin và thu hút các tổ chức tài chính quốc tế.

Hiện tại, Nhà nước đã có lộ trình cụ thể, với Luật về Trung tâm tài chính dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025, tạo ra nền tảng pháp lý rõ ràng và đồng bộ hơn.

Phát triển thị trường tài chính toàn diện để xây dựng thành công các trung tâm tài chính. Ảnh minh họa

Phát triển thị trường tài chính toàn diện để xây dựng thành công các trung tâm tài chính. Ảnh minh họa

Tiếp đó, theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, TP. Hồ Chí Minh cần phát triển thị trường tài chính một cách toàn diện, bao gồm cả thị trường vốn, thị trường chứng khoán và các công cụ tài chính phái sinh. Việc tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại sẽ giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước.

Tăng cường nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của bất kỳ TTTC nào. Vì vậy, thành phố được lựa chọn cần đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng và công nghệ tài chính. Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Một cơ sở hạ tầng phát triển tốt về giao thông, viễn thông và các dịch vụ tiện ích khác là yếu tố thiết yếu để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư lâu dài vào hạ tầng cứng để đáp ứng nhu cầu không gian và tiện ích của hàng nghìn tổ chức tài chính lớn nhỏ quy tụ về trong tương lai.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế và khả năng kết nối của TTTC trên quy mô toàn cầu. TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các TTTC quốc tế và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới để nâng cao uy tín và khả năng hội nhập. Việc hợp tác quốc tế cũng giúp thành phố học hỏi và áp dụng các thông lệ tốt nhất trên thị trường toàn cầu.

Cuối cùng là thúc đẩy đổi mới fintech. Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, công nghệ tài chính là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của TTTC. Vì vậy, địa phương được lựa chọn cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, từ đó thu hút đầu tư và gia tăng tính linh hoạt của thị trường.

Singapore mất 30 năm để trở thành một TTTC hàng đầu và giữ phong độ đến ngày nay. Với Singapore, ngoài việc thành lập Thị trường Đô la châu Á (Asian Dollar Market - ADM) năm 1968 và phát triển Sở giao dịch Singapore (SGX) năm 1999, nước này còn tận dụng lợi thế của những biến động tài chính toàn cầu như năm 1971 khi Mỹ tách đồng USD khỏi vàng, Singapore thu hút các cơ quan tài chính quốc tế bằng cách hủy bỏ thuế lợi tức đánh vào thu nhập lãi vay của khách gửi tiền không lưu trú. Mọi khoản tiền gửi bằng đồng đô la châu Á được miễn yêu cầu thanh toán và dự trữ pháp định.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-thi-truong-tai-chinh-toan-dien-de-xay-dung-thanh-cong-cac-trung-tam-tai-chinh-167994.html
Zalo