TP. Hồ Chí Minh: Tập trung vào tín dụng sản xuất, hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả
Ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng trên địa bàn trong năm 2025. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đã dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tổng kết về hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024 với nhiều kết quả tích cực. Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh lắng nghe nhiều ý kiến, góp ý từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn xoay quanh các nội dung về: Thực thi chỉ đạo của NHNN về chính sách tiền tệ, ngoại hối; công tác phối hợp thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng trên đại bàn.
Đặc biệt, nhiều tổ chức tín dụng đã phát biểu tham luận về các nội dung, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng diễn ra ngày càng phổ biến và rộng khắp.
Tín dụng sản xuất kinh doanh và dịch vụ tăng mạnh
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối 2024 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn dự ước tăng trưởng khoảng 11%. Trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ trọng tâm của địa phương.
So với cuối năm 2023, tín dụng cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 10%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 20%, ngành vận tải kho bãi tăng 24%, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ tăng gần 40%...
Đối với gói tín dụng 60.000 tỷ đồng (cho vay hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản), các TCTD tại TP. Hồ Chí Minh đã cho vay gần 2.100 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 1.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2024, các TCTD tại TP. Hồ Chí Minh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 43.850 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu gốc và lãi đạt 33.420 tỷ đồng (thực hiện theo các Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN).
Cũng trong năm 2024 vừa qua, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Tính đến hết năm, tổng số tiền cho vay thực tế đạt hơn 691.000 tỷ đồng với 198.166 lượt khách hàng.
Ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2025, ngành Ngân hàng thành phố sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thứ hai, tập trung nguồn lực tham mưu thực hiện nhiệm vụ liên quan xây dựng Trung tâm tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba, tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Chính sách kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030 theo Quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ năm, tập trung triển khai hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Thứ sáu, tăng cường phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” theo định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các - bon thấp.
Để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ này, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh yêu cầu hệ thống tổ chức tín dụng tập trung mạnh vào các hoạt động phối hợp triển khai các nhiệm vụ, trong đó có Đề án 06 và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; tiếp tục mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi lĩnh vực.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng cần đầu tư nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm. Đồng thời, áp dụng ngay các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đặc biệt, quan tâm chú trọng phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” theo định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Từ đó, tăng cường tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất xanh, phát thải các - bon thấp, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2025 và đồng tình với những kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm mà NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2025, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm nay, vai trò của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn hết sức quan trọng. Bởi thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, cần sự nỗ lực rất lớn của tất cả các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân trong đó có ngân hàng.
Đối với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, việc tham gia tích cực vào xây dựng Trung tâm tài chính Quốc tế và phát triển mạnh mảng tín dụng xanh, kinh tế xanh, hạ tầng xanh sẽ là đòn bẩy giúp thành phố hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội lớn.
UBND TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ ngành Ngân hàng thành phố trong việc xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Trung tâm Tài chính Quốc tế; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hệ thống tổ chức tín dụng phát triển mạnh lĩnh vực ngân hàng số, fintech, công nghệ và các lĩnh vực mũi nhọn giúp kinh tế địa phương tăng trưởng.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2024 vừa qua. Qua đó, đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là chú trọng công tác quản trị rủi ro, kiểm soát rủi ro nội bộ là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của lĩnh vực ngân hàng hiện nay. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động trong việc chuyển hóa các quy định mới của NHNN để triển khai nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách quản lý thị trường tiền tệ.
Trong năm 2025, Phó Thống đốc đề nghị, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung vào kế hoạch tăng trưởng tín dụng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong giao dịch với ngân hàng, đảm bảo nhanh chóng, tinh gọn, tiện lợi, hiệu quả và an toàn, bảo mật.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các pháp lý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng số. Trong đó, các lĩnh vực như cung cấp tín dụng trực tuyến, hoạt động đại lý ngân hàng, bảo lãnh điện tử… sẽ tiếp tục được NHNN tiếp thu kiến nghị từ hệ thống tổ chức tín dụng để nghiên cứu, điều chỉnh, ban hành các quy định phù hợp.
Trong năm nay, Trung tâm Tài chính quốc tế bắt đầu triển khai xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và các ngân hàng thương mại tiếp tục bám sát lộ trình xây dựng Trung tâm này, tham gia góp ý, tham mưu NHNN và địa phương cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời xây dựng hành lang pháp lý, áp dụng các giải pháp phát triển lĩnh vực tín dụng – ngân hàng tại Trung tâm Tài chính quốc tế.