Phát triển thị trường carbon và cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Việc tổ chức phát triển thị trường carbon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ carbon rừng cũng như thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong những năm qua luôn được tỉnh Thanh Hóa chú trọng thực hiện có hiệu quả.
Theo báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Môi trường 2020 có hiệu lực, cho thấy, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, tổ chức tuyên truyền các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ carbon.
Tỉnh này cũng hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân xây dựng hồ sơ tham gia thị trường tín chỉ carbon theo quy định, trong đó có Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Từ năm 2023, thực thi chính sách thí điểm thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, xác định có trên 393 nghìn ha rừng tự nhiên thuộc đối tượng tham gia thực hiện ERPA của 39 chủ rừng là tổ chức, 63 chủ rừng là UBND cấp xã đang được tạm giao quản lý rừng tự nhiên và 25.032 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn/bản.
Địa phương này cũng đã tiếp nhận điều phối trên 162 tỷ đồng thực hiện chi trả cho các chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, đảm bảo các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Từ năm 2023, Thanh Hóa đã tiếp nhận điều phối trên 162 tỉ đồng thực hiện chi trả cho các chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Thanh Hóa đã thực hiện dự án thí điểm tín chỉ carbon trên lúa thông qua hợp tác với chủ ruộng, thực hiện kiểm soát tưới ướt khô xen kẽ (AWD) do Công ty TNHH Faeger (Nhật Bản) thực hiện; dự án đã hỗ trợ xây dựng các mô hình canh tác lúa của 434 hộ tại xã Yên Phong, huyện Yên Định với diện tích 90,4 ha. Đến nay, qua theo dõi đánh giá thực tế trên đồng ruộng và kết quả lấy mẫu khí, phân tích và tính toán lượng giảm phát thải khí metan, tạo tín chỉ carbon cho thấy việc ứng dụng phương pháp tưới khô xen kẽ đã giảm được so với ruộng sử dụng phương pháp tưới ngập truyền thống là 4,84 tấn CO2 quy đổi/ha, tương đương 4,84 tín chỉ carbon/ha.
Song song với đó, Thanh Hóa thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, triển khai, hướng dẫn thực hiện các Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, Quyết định số 4405/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đơn vị có tên trong danh mục, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa; Công ty CP Môi trường Nghi Sơn)...