Phát triển sự nghiệp GDDT trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: 'với nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ; ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả'.
Đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt
Điểm lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT Hà Nội (1954-2024), Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường.
Đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của TP,... Mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đạt 88 giải thì đến năm 2024, học sinh TP đạt 184 giải (tăng gần 2,1 lần). Từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tiếp tục thăng hạng về thứ hạng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi (100.000 thí sinh), song tỉ lệ tốt nghiệp đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc về thứ hạng so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, TP).
Hà Nội còn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi đạt điểm 10 với 915 bài. Trong 200 thí sinh cả nước có tổng điểm thi cao nhất, Hà Nội có 33 em, trong đó một em có tổng điểm thi cao nhất cả nước là 57,85 điểm. Số lượng trường có tỉ lệ tốt nghiệp 100% là 194/269 trường.
Đáng chú ý, tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở khối giáo dục thường xuyên Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỉ lệ tốt nghiệp chung ở khối giáo dục thường xuyên của cả nước, cao nhất trong 5 năm qua. Đó đều là những minh chứng cho sự kiên trì nỗ lực của cả người học, người dạy cũng như hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà một cách bền vững và toàn diện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, không chỉ giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của TP cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Hà Nội có 2 học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế ở môn sinh học (em Đặng Tuấn Anh, khi đoạt giải là học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An) và hóa học (em Trần Đăng Khôi, khi đoạt giải là học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam).
Hà Nội cũng được Bộ GD&ĐT tin tưởng, tiếp tục giao nhiệm vụ đại diện Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế năm nay. Kết quả, học sinh Hà Nội đã đạt được thành tích xuất sắc, cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tại kỳ thi toán và khoa học quốc tế, 100% thành viên đoàn học sinh Thủ đô gồm 24 em đều đoạt giải với 9 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng; đưa đoàn Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn.
Tại kỳ thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế năm nay, học sinh Hà Nội đoạt 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Đây là lần đầu tiên, 100% học sinh của đoàn đều đoạt huy chương, kể từ lần đầu dự thi vào năm 2016. Tham gia kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế năm 2024, 6 học sinh Hà Nội đại diện Việt Nam dự thi đều đoạt huy chương, gồm 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, những năm qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục. Cụ thể, để việc ứng dụng công nghệ thông tin phổ cập trong dạy và học, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Nhiều tiết học được kết nối với các điểm cầu tại các trường học của TP, giúp học sinh được học với nhiều thầy, cô giáo giỏi. Giáo viên giữa các quận, huyện cũng thêm gắn kết, tăng ý thức trách nhiệm và cùng hỗ trợ nhau nâng chất lượng giảng dạy,… Từ đầu năm tới nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị điều kiện triển khai tuyển sinh trực tuyến, chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng ở cổng trường để nộp hồ sơ tuyển sinh.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT Thủ đô chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; quan tâm giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với giáo dục nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học. Ngành GD&ĐT Thủ đô luôn thể hiện tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, tích cực chia sẻ, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành. Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô của cả nước, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu của phát triển Thủ đô.
Ghi nhận những thành tựu đột phá, xuất sắc nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội
Theo ông Trần Thế Cương, để ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được những kết quả xuất sắc, TP đã luôn ưu tiên cân đối ngân sách để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm đủ trường, lớp học cho học sinh; đồng thời tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
TP cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, giúp chất lượng giáo dục ở các nhà trường có tiến bộ bền vững. Hiện nay, Hà Nội có 23 trường chất lượng cao; gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. TP đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến. Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ là nơi kết tinh của nhiều mô hình giáo dục hiện đại, ngang tầm quốc tế, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nhân lực cho Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt, từ ngày 10/12/2024, học sinh Hà Nội đoạt giải Olympic quốc tế sẽ được thưởng ở mức cao nhất là 300 triệu đồng, tăng 2-15 lần, được chia theo lĩnh vực (môn văn hóa và khoa học kỹ thuật), cấp độ kỳ thi và loại giải. Cụ thể, học sinh đạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế môn văn hóa được thưởng 300 triệu đồng. Các giải Bạc, Đồng, Khuyến khích lần lượt nhận 200, 150 và 100 triệu. Mức thưởng dành cho học sinh đạt giải cấp khu vực và khoa học kỹ thuật quốc tế bằng nhau, từ 50 đến 200 triệu đồng.
Ở cấp quốc gia và TP, tiền thưởng từ 10 đến 50 triệu đồng, riêng cấp TP chỉ thưởng giải Nhất. Nếu học sinh đạt giải là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, mức tiền thưởng tăng 1,5-2 lần. Về mức thưởng của giáo viên có học sinh đoạt giải, thầy cô trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng được thưởng 70% mức của học sinh. Đây là tin vui đặc biệt học sinh, giáo viên Thủ đô, là cú hích mạnh mẽ đối với ngành GD&ĐT Hà Nội.
Biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành GD&ĐT Thủ đô trong 70 năm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, dù phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn luôn là tấm gương điển hình trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển và bồi dưỡng một đội ngũ trí thức đông đảo, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII vừa diễn ra đã thống nhất khẳng định: Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định, trong đó Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để làm được điều đó, ngành GD&ĐT Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa. Vì vậy, thời gian tới và ngay từ năm học 2024-2025 này, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Ông Trần Thế Cương cho rằng những thành quả trong những năm qua chính là nguồn lực quan trọng để TP Hà Nội thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập; chung sức vì sự phát triển của TP sáng tạo, TP học tập toàn cầu. Quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.