Phát triển rừng cây gỗ lớn
Mở rộng diện tích rừng cây gỗ lớn để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch của UBND tỉnh. Theo đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu rừng cây gỗ lớn đã đề ra.
Với gần 190.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên, trong đó 123.000ha diện tích rừng trồng, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây gỗ lớn. Việc phát triển rừng gỗ lớn sẽ giúp chủ động tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn cũng như phục vụ xuất khẩu. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Việc áp dụng mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thức cũ, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại.
Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu hàng năm thực hiện 2,2 nghìn ha rừng gỗ lớn. Đến năm 2025, diện tích rừng cây gỗ lớn toàn tỉnh đạt 20.000ha, trong đó vùng sản xuất tập trung 10.000ha gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu. Năng suất rừng trồng đạt 17m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đến năm 2025 đạt 810.000m3. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành Lâm nghiệp bình quân 3,3%/năm, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần trên đơn vị diện tích so với năm 2021.
Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều nhóm giải pháp đã được tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Với mục tiêu mở rộng diện tích, ngành Lâm nghiệp cùng các địa phương đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững của Trung ương, tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng khuyến khích trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện mở rộng diện tích cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, đảm bảo năng suất, chất lượng rừng gỗ lớn; công tác đảm bảo chất lượng giống cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng được ngành chuyên môn tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.
Hiện nay, việc nhân rộng diện tích trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Điển hình như tại huyện Yên Lập, để khuyến khích các hộ trồng rừng chuyển đổi sang mô hình trồng cây gỗ lớn, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Đồng chí Phan Thanh Phương - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Lập tiếp tục xác định phát triển cây gỗ lớn là nhiệm vụ trọng tâm, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 42-NQ/HU, ngày 12/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả. Đặc biệt, huyện đã tập trung tuyên truyền đến các hộ dân những lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường tự nhiên từ việc trồng rừng gỗ lớn, chính sách của tỉnh về cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn... Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã trồng và chuyển hóa trên 1.300ha rừng cây gỗ lớn, đạt 110,5% mục tiêu Nghị quyết.
Tại huyện Tân Sơn, việc trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn được chú trọng triển khai. Năm 2024, huyện hoàn thành 900ha rừng gỗ lớn ở các xã, thị trấn, nâng tổng diện tích rừng gỗ lớn toàn huyện đạt 4.600ha. Sự vào cuộc của tỉnh, ngành chuyên môn, địa phương, mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh diện tích phát triển gỗ lớn đạt 18.900ha, đạt 94,5% so với mục tiêu đến năm 2025 (trồng rừng thâm canh gỗ lớn: 15.300ha, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 3.600ha). Rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Để phát huy lợi thế, mở rộng vùng nguyên liệu gỗ lớn, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ hiện hành. Theo đồng chí Trương Quang Đăng - Trưởng phòng Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm, ngành Kiểm lâm tham mưu, tăng cường hướng dẫn hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững cho diện tích rừng gỗ lớn đủ điều kiện về diện tích để nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp cũng như khuyến khích chủ rừng, hộ trồng rừng, tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp đẩy mạnh mở rộng mô hình rừng gỗ lớn. Phối hợp với chính quyền địa phương chuyển giao, tập huấn kỹ thuật để người dân thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật thâm canh trồng rừng gỗ lớn, đồng thời chú trọng công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, khuyến cáo người dân sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng...