Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch
Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, khai thác lợi thế đó, huyện Mộc Châu quan tâm, khuyến khích phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến Mộc Châu hôm nay, bật lên là bức tranh toàn cảnh nông nghiệp trên đà khởi sắc, với 2.150 ha chè, trên 10.400 ha cây ăn quả các loại, hơn 3.000 ha rau màu. Toàn huyện có khoảng 80 ha nhà kính, nhà lưới; hơn 500 ha ứng dụng tưới tiết kiệm; trên 350 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân toàn huyện đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm, tại các vùng ứng dụng công nghệ cao đạt 250 triệu đồng/ha.
Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương, như: Chè, sữa, các loại rau, mận, bơ, hồng giòn, cam... đã xây dựng được thương hiệu, với bộ nhận diện sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho. Toàn huyện hiện có 111 HTX nông nghiệp, với trên 1.110 thành viên, có 33 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân sản xuất đã góp phần phát triển ổn định vùng nguyên liệu, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Với diện tích gần 3.500 ha, Mộc Châu là vùng trồng mận hậu lớn nhất của cả nước. Những người nông dân giờ đây không chỉ khai thác sản phẩm từ quả mận mà còn kết hợp các mùa hoa, quả mận để mở dịch vụ thăm quan, trải nghiệm tại vườn, thu hút đông đảo du khách. Anh Hồ Văn Đạt, ở thung lũng mận Nà Ka có vườn mận rộng hơn 5.000 m2, năm nào cũng thế, cứ vào thời điểm hoa mận bung nở là rất nhiều du khách ghé thăm vườn.
Anh Đạt chia sẻ: Vườn mận của gia đình tôi không thực hiện tỉa cành, mà chỉ làm cỏ và bón phân cho mận và hãm để hoa mận nở đúng dịp Tết Dương lịch phục vụ du khách. Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, gia đình tôi sẽ chăm sóc đảm bảo năng suất, chất lượng quả. Gia đình tôi còn mở dịch vụ du lịch trải nghiệm bằng hình thức cắm trại ngay tại vườn mận vào mùa hoa và mùa quả để phục vụ khách du lịch, với mức thu bình quân 250 nghìn đồng/trại/đêm.
Với sự hỗ trợ của địa phương, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, như: Tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi; du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây rau màu. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm, khám phá Làng chè của Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của Công ty TNHH Chè Mộc Sương và một số đồi chè của các hộ dân xây dựng phục vụ du lịch.
Chị Mai Kiều Linh, du khách đến từ thủ đô Hà Nội, chia sẻ: Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi và một số gia đình tổ chức cho các con đến tham quan, trải nghiệm hoạt động làm nông nghiệp tại cao nguyên Mộc Châu. Tôi nhận thấy, đây là địa điểm trải nghiệm khá thú vị, mọi người được tận mắt ngắm nhìn những đồi chè xanh ngát, tự tay hái những trái cam chín mọng, trải nghiệm làm người nông dân chăm sóc, vắt sữa bò... những hoạt động này giúp các con gần gũi với thiên nhiên, có thêm kỹ năng sống và kiến thức về sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Phát triển nông nghiệp và bảo tồn giá trị văn hóa là nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch Mộc Châu bền vững. Du lịch và nông nghiệp là 2 lĩnh vực có sự tương hỗ và thúc đẩy nhau cùng phát triển, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và thu hút du khách. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng các mô hình phục vụ phát triển du lịch, như: Tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi; du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây rau màu... qua đó tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, thu hút du khách đến với Mộc Châu.
Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng tại Mộc Châu đã và đang góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương, nhất là các giá trị nội tại của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo thu nhập ngoài các sản phẩm thuần túy cho người nông dân.