Phát triển nhiều mô hình quản lý an toàn giao thông tại trường học

Công tác giáo dục an toàn giao thông đang được các trường học tại Thái Nguyên thực hiện thường xuyên, hiệu quả, nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Đoạn đường quốc lộ rẽ vào cổng trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên) luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đoạn đường quốc lộ rẽ vào cổng trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên) luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Sự phối hợp từ nhiều phía

Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh về quy định pháp luật giao thông, đồng thời phát triển nhiều mô hình quản lý an toàn giao thông tại trường học. Các giải pháp này được triển khai phù hợp với từng lứa tuổi, từng địa bàn và tình hình thực tế.

Với cấp mầm non và tiểu học, phần lớn các em được phụ huynh đưa đón, nên tình trạng xảy ra tai nạn giao thông là rất ít. Vấn đề này thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT, đặc biệt là các trường có các tuyến đường có khu dân cư đông đúc, xe tải trọng lớn đi qua.

 Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) phối hợp với các lực lượng chức năng, tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) phối hợp với các lực lượng chức năng, tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

Xác định tầm quan trọng của việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, cảnh sát giao thông thành phố, tuyên truyền phổ biến nhiều nội dung thiết yếu cho học sinh như: Luật Giao thông đường bộ; kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; lỗi vi phạm dễ dẫn đến tai nạn giao thông; kỹ năng tham gia giao thông và các hành vi ứng xử có văn hóa…

Cùng với sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng của phường, Nhà trường cho phối hợp giữa Đoàn thanh niên, Liên đội, Chi đội, đội bảo vệ để giải phóng ùn tắc vào các giờ cao điểm khi các em đến trường và tan học.

Thầy Hoàng Thanh Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) cho biết: “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã tiến hành ký cam kết giữa phụ huynh học sinh, học sinh và nhà trường về chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, việc này được phụ huynh học sinh hưởng ứng phối hợp và thực hiện tốt. Nhà trường còn tích hợp lồng ghép kiến thức về luật giao thông, kiến thức an toàn giao thông vào các môn học, các buổi sinh hoạt ngoài giờ”.

Em Vũ Hà Anh Thư, học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: “Các hoạt động giáo dục an toàn giao thông của trường rất là hữu ích, chúng em được học về các tín hiệu đèn giao thông, các biển báo và cách đi lại an toàn để không xảy ra tai nạn… Em nhận ra tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ giao thông, không chỉ để bảo vệ bản thân mình mà còn để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh”.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) tự hào có cô giáo Dương Thị Thanh Mai đã xuất sắc đạt giải Nhì Quốc gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai. Đây là đại diện duy nhất của tỉnh Thái Nguyên đạt giải tại Cuộc thi (trong tổng số 30 giáo viên cả nước đạt giải). Trường cũng vinh dự có 04 học sinh cũng xuất sắc đạt giải trong Cuộc thi này. Điều đó cho thấy sức lan tỏa và hiệu quả trong công tác giáo dục an toàn giao thông của nhà trường.

Những trở ngại khách quan

Đối với trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên), nhiều biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tại nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh được triển khai liên tục, nhưng nỗi lo âu bởi nguy cơ tai nạn giao thông vẫn luôn thường trực hằng ngày.

Nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên) có tuyến đường quốc lộ với mật độ giao thông lớn, hơn 1000 học sinh đi lại mỗi ngày cùng một lượng đông phụ huynh đưa đón thường xuyên chịu áp lực lo lắng về vấn đề an toàn.

 Trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên) đảm bảo cổng trường an toàn, nhưng nỗi lo về vấn đề đi lại trên đường quốc lộ của học sinh thì luôn thường trực.

Trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên) đảm bảo cổng trường an toàn, nhưng nỗi lo về vấn đề đi lại trên đường quốc lộ của học sinh thì luôn thường trực.

Thầy Nguyễn Văn Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khánh Hòa trao đổi: Nhà trường đã phối hợp với công an xã, thành phố, tổ chức nhiều chuyên đề an toàn giao thông cho học sinh; thực hiện ký cam kết tuân thủ an toàn giao thông giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường; thành lập các tổ đội thanh niên trực đầu giờ ở cổng trường để kiểm tra ý thức tham gia giao thông của học sinh; triển khai mô hình tổ tự quản ATGT trong trường học… Những học sinh vi phạm hay cố tình vi phạm sẽ bị xem xét đánh giá hạ hạnh kiểm.

Trước những trở ngại khách quan, thầy Nguyễn Văn Bắc bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tuyến đường quốc lộ trên địa bàn gần khu vực trường cần lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cắm biển hạn chế tốc độ; đoạn đường vào cổng trường cần được mở rộng hơn nữa mới đảm bảo bởi lưu lượng đi lại lớn của nhiều công ty, trường học khu vực này”.

Theo thống kê, tại Thái Nguyên năm 2024, cảnh sát giao thông lập biên bản hơn 4.300 trường hợp học sinh vi phạm; tạm giữ hơn 1.800 mô tô và hơn 1.400 xe máy điện, trên 100 xe đạp điện; xử phạt vi phạm lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông hơn 2.000 trường hợp, thông báo về nhà trường trên 4.200 trường hợp học sinh vi phạm.

Dư Tính - Kim Hoa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-nhieu-mo-hinh-quan-ly-an-toan-giao-thong-tai-truong-hoc-post724456.html
Zalo