Phát triển nghề mới, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

36 tuổi trở thành 'ông chủ' của một cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn xã Đồng Tân (Hiệp Hòa), tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là thanh niên địa phương với mức lương hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Anh là Nguyễn Văn Chi, thôn Hòa Bình, xã Đồng Tân - một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, mang nghề mới về làng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Mới tới đầu thôn, chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa, đục đẽo ồn ã. Anh Chi vừa tranh thủ thời tiết thuận lợi để dựng khung, hoàn thiện nhà gỗ, vừa hướng dẫn tỉ mỉ cho nhóm thợ đục, tỉa từng đường nét theo yêu cầu của khách hàng. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, được biết, sau mấy năm làm nghề tự do ở nhiều nơi, anh Chi về địa phương với quyết tâm vượt khó, làm giàu từ tiếp nối nghề mộc truyền thống của gia đình. Nói là làm, với số vốn 50 triệu đồng từ nguồn tích lũy và vay mượn thêm người thân, bạn bè, năm 2021, anh mạnh dạn khởi nghiệp. Khu vực sản xuất ban đầu là sân nhà, căng tạm bạt tránh nắng, mưa.

 Anh Nguyễn Văn Chi - tấm gương điển hình phát triển kinh tế ở xã Đồng Tân (Hiệp Hòa).

Anh Nguyễn Văn Chi - tấm gương điển hình phát triển kinh tế ở xã Đồng Tân (Hiệp Hòa).

Khác với các cơ sở khác là sản xuất đồ gỗ gia dụng (giường, tủ, kệ, ban thờ…), anh Chi lựa chọn phát triển nghề mộc theo hướng làm khung nhà gỗ 3 gian (cổ, giả cổ). Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn, có khi điêu đứng do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, đầu ra lại bấp bênh. Nhờ gia đình ủng hộ, tổ chức đoàn thanh niên giúp thêm vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi nên chàng trai đã từng bước vực dậy cơ sở. Đến nay, với quy mô xưởng hơn 1 nghìn m2, có đủ các loại máy móc như máy cưa, bào, đục mộng, phun sơn…, mỗi năm, cơ sở của anh Chi đạt doanh thu hơn 8 tỷ đồng, tiền lãi khoảng 3 tỷ đồng.

Hiện nay, xưởng tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, chủ yếu là thanh niên trong xã. Anh chia sẻ: “Tôi đã trải qua không ít gian truân mới có được cơ ngơi như hiện nay. Nhưng mỗi lúc khó khăn, tôi lại nghĩ, đã chọn là phải làm, đã làm thì phải quyết tâm để thành công”. Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, mở rộng thị trường, anh Chi không quản ngại đi tham quan, học tập mô hình ở nhiều nơi; chịu khó tìm kiếm nhà gỗ đã qua sử dụng trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, tìm tòi những mẫu nhà mới, độc đáo và yêu cầu thợ nâng cao chất lượng thi công. Nhờ vậy, khách hàng của anh gồm nhiều tỉnh, TP như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, thậm chí cả trong miền Nam.

 Anh Chi (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm nhà gỗ do cơ sở sản xuất, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Anh Chi (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm nhà gỗ do cơ sở sản xuất, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Không chỉ duy trì việc làm cho nhiều lao động địa phương, từ nguồn thu nhập của gia đình, anh Chi thường xuyên hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất và cho vay vốn không lấy lãi với những thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, anh Chi giúp đỡ từ 4-6 hộ nghèo, trường hợp khó khăn có điều kiện vươn lên. Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Phi Hùng (SN 1984) ở thôn Giang Đông mới thoát nghèo năm 2022 nhờ mô hình chăn nuôi gà. Từ số tiền 30 triệu đồng cho vay không lấy lãi của anh Chi, anh Hùng mạnh dạn xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua thức ăn, thuốc phòng bệnh cho gia cầm. Chăm chỉ làm ăn, lấy công làm lãi, cuộc sống của gia đình anh Hùng dần khấm khá.

Mới đây, anh Nguyễn Văn Chi tham gia Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi xã Đồng Tân. Với kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế của bản thân, anh mong muốn giúp đỡ ngày càng nhiều lao động trẻ cùng quê có điều kiện vươn lên, xây dựng đời sống mới.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-trien-nghe-moi-tao-viec-lam-cho-thanh-nien-nong-thon-085114.bbg
Zalo