Giới trẻ và lối sống YONO
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, việc tiết kiệm và tiêu dùng thông minh quan trọng hơn bao giờ hết. Lối sống YONO (bạn chỉ cần một thứ thôi) xuất hiện như một giải pháp phù hợp với thực tế này, giúp giới trẻ đối mặt với những thách thức về tài chính.
Tiết kiệm chi tiêu
Trước đây, lối sống YOLO (bạn chỉ sống một lần trên đời) khuyến khích người trẻ tận hưởng cuộc sống ở mức gần như tối đa, không ngại chi tiêu cho những trải nghiệm mới lạ.
Tuy nhiên, sau ảnh hưởng từ đại dịch và biến động kinh tế, giới trẻ dần chuyển sang lối sống YONO, hướng đến chi tiêu hợp lý, tập trung vào những dịch vụ như nhà ở, ăn uống và cắt giảm những thứ không cần thiết. Nhờ xu hướng này, nhiều bạn trẻ có thêm khoản tiết kiệm để đối phó với những tình huống phát sinh trong cuộc sống.
Là một nhân viên văn phòng với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, chị Hà Tiểu Phương (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) “cân đo đong đếm” để vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa dành dụm được khoản tiết kiệm nho nhỏ.
Trước đây, chị Phương lựa chọn lối sống YOLO, thường đưa ra quyết định nhanh chóng khi mua món đồ yêu thích với giá cả khá “chát”. Việc chi tiêu “quá trớn” khiến quỹ tiết kiệm dự phòng của chị hao hụt nhanh chóng.
“Theo tình hình hiện tại, nền kinh tế Việt Nam biến động tương đối lớn, cụ thể là tỷ lệ lạm phát gia tăng, không chỉ tôi mà một vài người bạn xung quanh đang có tâm lý dè chừng trong chi tiêu thay vì thoải mái như 2-3 năm về trước. Tôi thường kiểm tra giá, chất lượng của sản phẩm/dịch vụ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định mua hàng” - chị Phương chia sẻ lý do chuyển sang lối sống tiết kiệm.
Thông thường, chị chia thu nhập cá nhân theo nguyên tắc 50/20/30, tức là 50% sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu, 20% tích lũy hoặc đầu tư và 30% còn lại cho các hoạt động giải trí, phục vụ sở thích như spa, du lịch,...
Chị Võ Thị Ngọc Hân (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cũng đang làm việc và sinh sống tại TP.HCM. Hiện chị làm việc trong một khách sạn với mức lương khoảng 12 triệu đồng/tháng. Đây được xem là thu nhập lý tưởng của một sinh viên vừa ra trường, tuy nhiên, chị Hân cũng “chật vật” chi tiêu trước những biến động của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chị Hân chia sẻ: “Các chi phí sinh hoạt tại TP.HCM khá cao. Để bảo đảm chất lượng sống tại thành thị, tôi cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết. Phương pháp quản lý tài chính cá nhân của tôi là liệt kê các khoản chi phí cần chi tiêu cho một tháng. Sau đó, tôi sẽ tự đặt ra những câu hỏi “Mua để làm gì?”, “Có thể sử dụng trong những trường hợp nào?” và “Món đồ có thật sự cần thiết không?” trước khi đưa ra quyết định”.
Hướng đến lối sống xanh
Ngoài tiết kiệm chi phí, trào lưu YONO còn định hướng người trẻ sống xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, khuyến khích tiêu dùng bền vững và quan tâm đến an sinh xã hội.
Chị Phạm Thị Vân Anh (phường Năng Tĩnh, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) là một trong những người theo đuổi lối sống YONO. Trước đây, chị quan niệm “làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu". Vì thế, mỗi tháng, chị thường không tiết kiệm được nhiều, thậm chí thâm hụt vào quỹ dự phòng. Tháng nào dư dả, chị sẽ lên kế hoạch cho các chuyến du lịch.
“Tôi giữ lối sống đó cho đến một ngày mẹ bệnh và phải điều trị ở TP.Hà Nội nhưng tôi không có nhiều tiền để lo cho mẹ. Cũng từ dạo ấy, tôi thay đổi suy nghĩ, bắt đầu chi tiêu hợp lý hơn để phòng trường hợp cấp bách” - chị Vân Anh tâm sự.
Cách đây 1 năm, chị quyết định về quê để ở gần chăm sóc cha mẹ và được làm công việc yêu thích. “Hiện tại, tôi làm trong lĩnh vực xuất khẩu tóc giả, mi giả sang thị trường nước ngoài. Công việc chủ yếu là tư vấn, chốt đơn, kiểm hàng và gửi hàng với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Quê tôi là tỉnh lẻ nên mức sống thấp hơn thủ đô, tôi không phải tốn quá nhiều tiền cho các khoản chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, lý do thôi thúc tôi “bỏ phố về quê” là không khí trong lành tại quê nhà, không gặp tình trạng kẹt xe, ô nhiễm như ở thành thị đông đúc” - chị Vân Anh bộc bạch.
Sau khi theo đuổi lối sống YONO, chị cũng ý thức hơn về việc tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường sống. Cụ thể, thay vì ăn ngoài, chị tự vào bếp nấu nướng, ít sử dụng những sản phẩm làm từ nhựa, lựa chọn quán ăn sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường (ống hút giấy, túi giấy,...). Ngoài ra, mỗi tháng, chị còn trích ra khoảng 10% thu nhập cá nhân để làm từ thiện.
Theo chị Vân Anh, tiêu dùng bền vững giúp tiết kiệm năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiết kiệm ngân sách cá nhân, từ đó cải thiện ngân sách xã hội.
Việc chuyển đổi từ lối sống YOLO sang YONO không phải xu hướng nhất thời mà là dấu hiệu cho thấy giới trẻ ý thức hơn về những giá trị bền vững. Thay vì “vung tay quá trán”, người trẻ thận trọng hơn trong chi tiêu, sinh hoạt./.