Phát triển nghề biển vững mạnh

Với mỗi ngư dân, biển khơi gắn bó với họ như mảnh vườn, thửa ruộng của nông dân. Bám biển không chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là trách nhiệm của công dân. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, trang thiết bị, ngư cụ hiện đại để không những đi biển dài ngày, an toàn, mà còn tham gia giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lớn mạnh từ biển

Đến cửa biển Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), chúng tôi được nghe các câu chuyện về những ngư dân can trường bám biển, làm giàu từ biển. Trong số những cái tên được mọi người liệt kê, chúng tôi ấn tượng với ngư dân Nguyễn Thành Sơn (49 tuổi), ở tổ dân phố Hải Tân, phường Phổ Quang. Mới đây, chúng tôi có dịp gặp ngư dân Sơn sau một chuyến vươn khơi trở về. Trò chuyện về nghề, về những tháng năm “ăn nằm” với biển, chúng tôi cảm nhận sự chất phác qua từng lời nói của anh Sơn, một phẩm chất điển hình của những ngư dân chuyên làm bạn với sóng nước mênh mông.

 Ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) trò chuyện với cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mỹ Á sau phiên biển trở về.

Ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) trò chuyện với cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mỹ Á sau phiên biển trở về.

Anh Sơn kể, năm 18 tuổi anh đã theo các bậc đàn anh ra biển đánh cá, vừa kiếm tiền vừa học nghề. Chỉ sau 2 năm tích lũy, anh Sơn đã tự sắm được 1 chiếc tàu có công suất 33CV, dài gần 13m. Có tàu cá rồi, anh cùng 9 lao động trên tàu bắt đầu ra khơi hành nghề. Từ khi đi biển đến giờ, chưa bao giờ anh Sơn tự thỏa mãn với con tàu mình đang có, mà khi có tiền, anh sẽ sắm mới ngư lưới cụ, đóng tàu to hơn để ra khơi thuận lợi hơn. Chính vì vậy, đã nhiều năm nay, anh Sơn không còn đánh bắt gần bờ nữa mà vươn khơi đánh bắt cá xa bờ với con tàu QNg 94857 TS, dài 16,5m, rộng 5,2m, công suất 718CV. Phần lớn thời gian, tàu anh Sơn tập trung đánh bắt ở vùng biển nằm giữa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Con tàu hiện giờ là chiếc thứ 5 mà anh Sơn có được sau nhiều lần nâng cấp, đóng mới.

Nhờ những kinh nghiệm đi biển và luôn nâng cấp ngư lưới cụ, tàu hành nghề lưới rê của anh Sơn làm ăn ngày càng hiệu quả. Trung bình mỗi chuyến ra khơi, tàu anh đánh bắt được 9 - 10 tấn cá các loại, thu về 250 - 350 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn và chia cho bạn tàu, anh Sơn kiếm được tiền tỷ mỗi năm. Ở làng chài Mỹ Á, anh Sơn đã trở thành “anh cả” trong đánh bắt và cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Còn ngư dân Huỳnh Tấn Hùng (45 tuổi), ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), đã có 20 năm gắn bó với nghề biển. Từ chiếc tàu cá hơn 300CV, chuyên đi đánh bắt vùng lộng, đến nay, anh Hùng đã sở hữu 5 tàu cá có công suất từ 450 - 730CV. Hiện tàu cá của anh Hùng hoạt động ở cả vùng lộng, lẫn vùng khơi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hùng bày tỏ, hoạt động đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn hơn nên mình phải linh hoạt thích ứng. Hồi xưa đi biển dựa vào kinh nghiệm, còn bây giờ dựa vào công nghệ nên mình phải đầu tư lưới, máy móc, thiết bị phục vụ đánh bắt hiện đại.

Việc đưa máy móc hiện đại vào đánh bắt đã giúp tàu của anh Hùng ngày càng hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, tàu của anh Hùng liên tục trúng cá cơm, mang về doanh thu tiền tỷ. Đối với các thuyền viên đi trên tàu của anh Hùng cũng có hơn 60 triệu đồng/người. “Trước đây, việc kéo cá chỉ dùng sức người, nên mỗi chuyến ra khơi phải cần tới 15 - 17 lao động, còn bây giờ đã có máy hỗ trợ. Nhờ vậy, giảm được sức lao động, số lao động cũng giảm xuống phân nửa. Thậm chí có hôm chỉ có 4 - 5 lao động, mình cũng đi đánh bắt được”, anh Hùng giải thích.

Nghĩa tình trên biển

Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm dành những lời khen khi nói về ngư dân Nguyễn Thành Sơn. Trong nghề biển, anh Sơn là người đi đầu trong đầu tư thiết bị, ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả. Hàng chục tàu cá cùng nghề ở đây cũng làm theo và mang lại hiệu quả, đời sống khấm khá hơn. Đáng nói nữa là, khi đánh bắt chỗ nào trên biển có cá, anh Sơn thường gọi các tàu khác cùng đến để làm chung, cùng hưởng lợi.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, ngư trường đánh bắt, ngư dân Sơn còn tích cực tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển. Hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, anh Sơn không nhớ hết mình đã giúp đỡ được bao nhiêu ngư dân, tàu thuyền gặp nạn trên biển. Trong cuộc đời đi biển từ trước đến giờ, anh Sơn nhớ nhất là chuyến cứu người cách đây 5 năm. Đó là cuộc chiến của thời gian để giữ mạng sống cho 8 người trên một tàu cá ở Quảng Bình.

Anh Sơn nhớ lại, vào tháng 11/2019, khi đang trên đường chạy vào cửa Mỹ Á thì anh nghe có tàu kêu cứu. Khi biết vị trí tàu cá kêu cứu đã vào bên trong vùng biển đảo Lý Sơn, anh hướng dẫn tọa độ để tàu chạy về cửa Mỹ Á và lần lượt đưa 8 ngư dân vào bờ đi cấp cứu. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của vợ anh ở bờ đã giúp việc đưa người đi cấp cứu nhanh hơn, tranh thủ từng giây để giành giật sự sống cho người bị nạn. Dù niềm vui không trọn vẹn khi có một ngư dân tử vong, nhưng 7 người còn sống cũng khiến hai vợ chồng anh cảm thấy an ủi. “Cứu người giống như cái nghiệp, bởi thường khi cho tàu vào bờ, tôi hay tắt bộ đàm. Thế nhưng, chẳng biết sao hôm đó lại để, thế là nghe tàu bạn kêu cứu. Lâu lâu, anh em Quảng Bình lại gọi điện hỏi thăm, nghĩa tình lắm. Đời người đi biển nhiều bất trắc nhưng cũng vui hơn với cái nghĩa, cái tình”, anh Sơn nói.

Nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân

Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 tàu cá, trong đó có 3.051 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Tàu cá của ngư dân trong tỉnh hoạt động ở tất cả các vùng biển Việt Nam. Sản lượng đánh bắt hằng năm trên 260 nghìn tấn. Trong những năm qua, để hỗ trợ cho ngư dân bám biển đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân; chính quyền địa phương, công an, BĐBP đã xây dựng mô hình tổ, đội tàu thuyền đoàn kết để các ngư dân sát cánh cùng nhau vươn khơi, bám biển. Ngoài đánh bắt, các tổ, đội tàu thuyền còn phối hợp trong dịch vụ hậu cần, góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị hải sản, thu nhập.

 Ngư dân Huỳnh Tấn Hùng, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), hiện đang sở hữu 5 chiếc tàu công suất lớn, vừa vươn khơi bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Huỳnh Tấn Hùng, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), hiện đang sở hữu 5 chiếc tàu công suất lớn, vừa vươn khơi bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền. Những năm qua, từ nguồn vốn trung ương và địa phương, tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cấp các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra, vào đánh bắt, mua bán hải sản. Bên cạnh đó, chủ trương hỗ trợ dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa, đã tiếp thêm động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hồ Trọng Phương cho biết, từ một đội tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, đến nay, Quảng Ngãi đã có đội ngũ tàu thuyền thuộc tốp đầu của cả nước, đi khắp các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Điều này khẳng định, chủ trương của trung ương, tỉnh về việc vươn ra biển để xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố lại đội ngũ tàu thuyền, đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng cá, cảng neo trú và các KCN chế biến, tận dụng tối đa nguồn lợi của thủy sản để tập trung phát triển kinh tế biển.

Nghề biển ở Quảng Ngãi đã ngày càng phát triển vượt bậc, với đội tàu hùng mạnh. Những làng chài ven biển đã có nhiều khởi sắc nhờ biển. Đây là kết quả và cũng là động lực để ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục vươn ra biển lớn, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/phat-trien-nghe-bien-vung-manh-52471.htm
Zalo