Phát triển ngành nông nghiệp gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu
Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, năm 2024, Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá cao, phát triển toàn diện, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục.
Đây là tiền đề để Gia Lai đột phá phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 của Gia Lai ước đạt 35.473 tỷ đồng, tăng 4,95% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước. Toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 9.026 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 255.670 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO, chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng; đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.670 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu. Tỉnh có 3 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, Mỹ (USDA), Hàn Quốc, Nhật Bản (JAS), châu Âu (EU).
Nhiều hộ nông dân đã tận dụng điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kết hợp phát triển nông nghiệp cảnh quan, du lịch nông nghiệp sinh thái để mời gọi du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm hàng hóa, sản phẩm của địa phương.
![Khách quốc tế trải nghiệm đời sống nông nghiệp trong một farmstay tại Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_425_51417057/b1da16c32e8dc7d39e9c.jpg)
Khách quốc tế trải nghiệm đời sống nông nghiệp trong một farmstay tại Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên
Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, Gia Lai đã và đang mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 97,5 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông-lâm-thủy sản đạt 1 tỷ USD.
Đến nay, toàn tỉnh có 430 sản phẩm OCOP, trong đó có 67 sản phẩm 4 sao và 363 sản phẩm 3 sao; có 1 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Gia Lai” được người tiêu dùng đánh giá cao và đã xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đạt được kết quả này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa là bởi đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP.
Nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình đã đầu tư khai thác, chế biến các loại nông-lâm sản đặc trưng như: cà phê, hồ tiêu, măng khô, bò một nắng, hạt mắc ca, gạo, dược liệu, mật ong, hạt điều, yến sào… để phát triển thành sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Năm 2024, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) đã vươn lên đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê. Đồng thời, sản phẩm cà phê L’amant Café của Công ty Vĩnh Hiệp được công nhận thương hiệu quốc gia năm 2024. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm của Gia Lai do doanh nhân Gia Lai làm ra được công nhận thương hiệu quốc gia. Thành công này là niềm tự hào không chỉ đối với riêng doanh nghiệp mà cả với những người trồng cà phê trong tỉnh.
Để có được kết quả đó, nhiều năm qua, Công ty Vĩnh Hiệp đã liên kết với bà con nông dân phát triển vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn theo các tiêu chuẩn quốc tế như Organic, 4C, Rainforest Alliance tại Gia Lai. Đến năm 2024, Công ty đã hợp tác, liên kết với hơn 15.000 hộ nông dân tạo nên một mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.
Các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Công ty như cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê hòa tan đều gắn với việc xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc để không những khẳng định chất lượng mà còn nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của cà phê Robusta Việt Nam tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Một thành công nổi bật nữa trong năm 2024 là Gia Lai đã thu hút và khởi động lại 12 dự án đầu tư có vốn nước ngoài (nhiều nhất từ trước đến nay), trong đó, phần lớn dự án hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
Tập đoàn Hùng Nhơn sau khi triển khai Dự án “Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” đã phát triển liên kết chuỗi cùng với các tập đoàn De Heus (Hà Lan)-Bel Gà (Bỉ)-Olmix (Pháp) sản xuất khép kín tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh xuất khẩu.
Với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự án không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà còn đặt nền móng cho mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện ở Tây Nguyên.
Mở rộng kết nối thị trường, hợp tác quốc tế
Nhằm góp phần thúc đẩy nông nghiệp và các ngành dịch vụ phát triển, năm 2024, ngành Công thương tỉnh đã tăng tốc, bứt phá phát triển nhanh, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra. Minh chứng là năm 2024, tất cả các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại, xuất-nhập khẩu của tỉnh đều tăng so với năm 2023.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 820 triệu USD, tăng 17,65% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu đạt 210 ngàn tấn, trị giá 620 triệu USD, tăng 26,53%; cao su đạt 830 tấn, trị giá 1,25 triệu USD, tăng 4,17%.
![Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) sản xuất cà phê Organic để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H.D](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_425_51417057/b4ee0ef736b9dfe786a8.jpg)
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) sản xuất cà phê Organic để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H.D
Điểm sáng trong năm 2024 là Sở Công thương đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam kết nối các thương vụ Việt Nam, hội doanh nhân ở các nước để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai đến với các nước trong khu vực và thế giới, giúp các doanh nghiệp tiếp cận trao đổi, chia sẻ thông tin, tìm kiếm thị trường mới.
Đồng thời, phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP… đến với cộng đồng doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các đoàn công tác đi kết nối giao thương, hợp tác đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại tại Úc, Mỹ, Canada.
Từ thành công trong đổi mới sáng tạo của ngành Công thương năm 2024 với việc kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và hiện đại, trong đó, thương mại điện tử là điểm đột phá, kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa.
Việc tổ chức các hội nghị tập huấn, các phiên livestream đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận ứng dụng công nghệ số và giải pháp kinh doanh mới trên các sàn thương mại điện tử, đem lại hiệu quả rõ rệt. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của ngành Công thương và lãnh đạo địa phương trong lộ trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết nối thị trường, hội nhập quốc tế.
Bước sang năm mới 2025, dưới ánh sáng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với sự quan tâm của Trung ương và quyết tâm chính trị của địa phương, tin tưởng rằng Gia Lai sẽ tạo ra xung lực mới, khí thế mới để vươn mình phát triển thịnh vượng cùng dân tộc.