Chưa hết 'mùng', nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất
Ngay sau Tết, nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, kỳ vọng một năm kinh doanh khởi sắc.
![Công nhân Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang đóng gói trứng gà. (Ảnh: Vĩnh Thành Đạt)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_181_51418777/fd830b7c3232db6c8223.jpg)
Công nhân Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang đóng gói trứng gà. (Ảnh: Vĩnh Thành Đạt)
Bỏ quan niệm "tháng Giêng" là tháng ăn chơi
"Tăng tốc ngay từ đầu năm" không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động cụ thể của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Phú Mỹ - PVFCCo).
Theo đó, với chế độ trực vận hành "xuyên Tết", Nhà máy đạm Phú Mỹ luôn sản xuất liên tục và đảm bảo hiệu quả, đạt sản lượng khoảng 86.000 tấn phân bón, trong đó Đạm Phú Mỹ đạt 75.500 tấn (100% kế hoạch) và NPK Phú Mỹ đạt hơn 10.000 tấn (vượt 116% kế hoạch).
Nhờ đó, trong tháng đầu tiên của năm mới, Phú Mỹ ghi nhận kết quả với tổng sản lượng kinh doanh gần 130 nghìn tấn phân bón và hóa chất; trong đó các sản phẩm chủ lực đều vượt xa so với kế hoạch như urê đạt gần 100 nghìn tấn, vượt 146% kế hoạch, NPK Phú Mỹ đạt gần 11 ngàn tấn, vượt 131% kế hoạch.
![Công nhân nhà máy làm việc xuyên Tết. (Ảnh: Đ.K)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_181_51418777/e967ea98d3d63a8863c7.jpg)
Công nhân nhà máy làm việc xuyên Tết. (Ảnh: Đ.K)
Đa số công nhân đều quay trở lại và nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay từ mùng 6 Tết, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ, doanh nghiệp (DN) gần như đã phủ kín đơn hàng trong quý I/2025. Bên cạnh thị trường nội địa, Dony đang tăng trưởng đơn hàng tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Đông, Singapore, Nga, Thái Lan… và gần đây nhất là thị trường châu Phi.
"Sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam… là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may đón 'mưa' đơn hàng ngay từ đầu năm 2025", ông Quang Anh nhìn nhận.
![Công nhân công ty may mặc bắt tay vào sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho kịp tiến độ ngay sau Tết. (Ảnh: Quốc Hải)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_181_51418777/b46aa7959edb77852eca.jpg)
Công nhân công ty may mặc bắt tay vào sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho kịp tiến độ ngay sau Tết. (Ảnh: Quốc Hải)
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM thông tin, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành dệt may hiện đang khá dồi dào. Hiện, các DN trong ngành đang đẩy mạnh sản xuất để kịp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Hồng, đa số các DN đã có đơn hàng hết quý I/2025, chuẩn bị cho quý 2.
"Dự báo, năm 2025 sản xuất kinh doanh của ngành dệt may tương đối tốt, có thể tăng trưởng của ngành ở mức tăng từ 10% – 15%. Tuy nhiên, muốn đạt được mức tăng trưởng này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới trong quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu”, ông Hồng khuyến cáo.
"Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA) đã và đang giúp hàng hóa Việt Nam củng cố vị thế tại thị trường châu Âu, đồng thời mở rộng cánh cửa cho hàng Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới", ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dh Foods, chia sẻ.
TPHCM sẽ ưu tiên các động lực tăng trưởng mới
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho hay, ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, hầu hết nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM đã tổ chức ra quân sôi nổi với nhiều khẩu hiệu lao động như: Chất lượng tốt để có việc làm, năng suất cao để tăng thu nhập; Năng suất, chất lượng là mục tiêu hàng đầu; Làm theo quy trình, giảm thiểu rủi ro, tối đa năng suất…
Đáng chú ý, trong ngày đầu tiên trở lại làm việc, nhiều DN đã phát động phong trào thi đua sản xuất, chọn “giờ đẹp” xuất xưởng những lô hàng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đánh giá của Chủ tịch HUBA, năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc nhiều DN tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2025 từ ngay thời điểm cuối năm 2024.
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều ngành nghề như dệt may, chế biến thực phẩm, đồ gỗ nội thất, linh kiện điện tử... ghi nhận số lượng đơn hàng gia tăng mạnh mẽ.
Cũng theo ông Hòa, các DN tại TPHCM đang có nhiều cơ hội tăng trưởng với các đề án, công trình thành phố thực hiện trong năm 2025 và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số thiết thực.
Tuy nhiên, trước tình hình cạnh tranh và yêu cầu thị trường ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm của DN phải đáp ứng tiêu chuẩn về xanh hóa, giá thành và áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất...
“Với khí thế lao động đầu năm, sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố sẽ chắp thêm cánh cho DN phát triển, cùng góp sức để thành phố đạt tăng trưởng hai con số trong năm 2025”, ông Hòa tin tưởng.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2 năm 2025, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình hỗ trợ lãi suất cho các DN trong quá trình chuyển đổi. Việc này nhằm giúp DN thực hiện chuyển đổi công nghệ, ứng dụng chuyển đổi xanh, đầu tư chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, TPHCM cũng ưu tiên các động lực tăng trưởng mới mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Từ năm 2025 trở đi, mảng kinh tế xanh, kinh tế số sẽ đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng yêu cầu các ban, ngành tập trung cho các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng GRDP 10%.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt con số kỷ lục với 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023.